Nhìn lại để tránh “ra tay” trước hối tiếc với đồng bằng
Tại hội thảo về “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng trong bối cảnh BĐKH ở ĐBSCL” do GreenID tổ chức tại Hà Nội mới đây, ThS Nguyễn Hữu Thiện đã đưa ra rất nhiều bằng chứng và cho rằng: cần nhìn lại vấn đề nước ở ĐBSCL hiện nay.
ThS Thiện cho biết, lưu lượng trung bình/năm của sông Mekong là 475 tỉ m3, trong đó mưa tại chỗ ở ĐBSCL chiếm 11%, tức chiếm 52 tỉ m3. ĐBSCL được xem là một trong những vùng dồi dào nước nhất trên thế giới. Nhiều lập luận thời gian vừa qua cho rằng đồng bằng hết nước là còn mơ hồ.
Th.S Thiện phân tích, lý do: thủy điện thượng nguồn sông Mekong trong những năm khô hạn, các đập tích nước làm khô hạn tồi tệ thêm; những năm lũ, các đập làm lũ chồng lũ; còn trong những năm bình thường, chúng ít tác động đối với nước. Tác động lớn nhất của các thủy điện trên thượng nguồn phía Trung Quốc với ĐBSCL hiện nay là làm giảm lượng phù sa, cát về đồng bằng. Còn các đập thủy điện của Lào, Campuchia trên dòng chính sông Mekong, cho đến hiện nay, vẫn chưa được xây dựng (ngoại trừ Xayaburi đã đi vào hoạt động, Don Sahong và Pak Beng đang được xây dựng – PV).
Việc lo ngại dự án Khon – Loei – Chi – Mun của Thái Lan (chuyển nước từ sông Mekong về tưới cho vùng ISAAN gồm 19 tỉnh Đông Bắc cho đất nước này - PV) sẽ góp phần khiến ĐBSCL hết nước cũng cần nhìn nhận lại. Theo ông Thiện, nếu dự án này thực hiện được sẽ tác động đến dòng chảy sông Mekong, nhưng Thái Lan rất khó thực hiện được dự án này.
Quan sát cho thấy, “xanh hóa ISAAN” chỉ là một lá bài chính trị của các chính trị gia Thái Lan. Vùng Đông Bắc Thái Lan là vùng khô hạn, thiếu nước, cũng là một đĩa muối khổng lồ rộng lớn, dày đến 200m, việc khai thác quá mức đã khiến muối lan lên mặt đất... Nhiều chính trị gia 30 năm qua đã lấy được phiếu bầu từ lời hứa “xanh hóa ISAAN” nhưng chưa bao giờ thành công; năm 1989, dự án khổng lồ Khon – Chi – Mun đã thực hiện và đã thất bại.
Cũng đã có nhiều lo ngại, cảnh báo ĐBSCL sẽ thiếu nước, sau khi xảy ra vụ hạn mặn năm 2016 ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Th.S Thiện, đây là hiện tượng thời tiết cực đoan 90 năm mới xảy ra một lần, tính theo số liệu từ năm 1926 do Pháp để lại. Năm nay, thời tiết đã trở lại bình thường, lũ về “đẹp”, và đã có thể khẳng định mùa khô tới đây không có hạn mặn.
Ngoài ra, kịch bản dự báo tác động của BĐKH với ĐBSCL mới công bố năm 2016 mới đây cũng cho thấy, sau 83 năm nữa, mực nước biển dâng với ĐBSCL là 55 cm so với năm 1986 – 2005, trong đó giao động từ 33 – 78 cm.
“Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta không nên dựa vào sự kiện cực đoan và những điều chưa chắc chắn mà “ra tay trước” với đồng bằng bằng những biện pháp gây hối tiếc cao”, ông Thiện nhận định.
Ảnh hưởng triều: một yếu tố sống còn của ĐBSCL
Ông Thiện cho rằng, thực tế hiện nay, chính đồng bằng đang “giết chết” đồng bằng chứ chưa phải là các lý do trên.
Hàng loạt các dự án ngăn mặn, ngọt hóa bất cập được triển khai ở ĐBSCL là một ví dụ. Đầu những năm 1990, dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp ngọt hóa bán đảo Cà Mau được triển khai với 1.400 tỉ đồng với hàng trăm công trình cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, giữ ngọt. Tuy nhiên, nhiều công trình chưa sử dụng đã phải bỏ tiền ra đập bỏ vì không phát huy hiệu quả. Chỉ riêng năm 2008, Cà Mau đã phải bỏ 2,8 tỉ đồng phá dỡ 83 cống bê tong ngăn mặn, ém phèn không còn phát huy hiệu quả mà trở thành vật cản giao thông thủy.
Tại Cà Mau, con đập Quản Lộ - Phụng Hiệp nằm ngăn dòng sông sát thành phố, làm cho dòng sông Bảy Háp ngừng chảy, nước đen sì, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc…
Đặc điểm nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, mùa nước nổi, mùa khô là cái nền tạo ra sinh thái, sinh kế, lối sống và văn hóa của ĐBSCL. Ảnh: Lê Quỳnh
Ông Thiện giải thích, ảnh hưởng triều là một yếu tố sống còn của ĐBSCL. Lực sông và lực biển tranh chấp tạo ra sự cân bằng động, gồm 3 vùng: ngọt mặn, và vùng nước lợ ở giữa. Trong đó, vùng nước lợ rất giàu thủy sản, quan trọng về sinh thái. Sự tương tác với thủy triều làm sạch sông ngòi, sinh thái ĐBSCL.
Vì vậy, đặc điểm nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, mùa nước nổi, mùa khô là cái nền tạo ra sinh thái, sinh kế, lối sống và văn hóa của ĐBSCL.
“Tuy nhiên, chúng tôi vừa có 4 ngày đi thực tế một vòng ĐBSCL. Có đi mới thấy đau lòng, sông ngòi đen thui cả một vùng, từ Cà Mau về Sóc Trăng dọc quốc lộ 1 thấy rõ nhất”, ông Thiện cho biết.
Chưa kể, thực tế mọi nguồn nước thải hiện nay ở ĐBSCL đều đổ ra kênh rạch, sông ngòi. Thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm có từ 2 - 3 triệu tấn phân bón, 100.000 tấn nông dược đổ ra sông ngòi…
Vì vậy, ông Thiện nhận định, vấn đề lớn nhất của an ninh nguồn nước ở ĐBSCL hiện nay nằm ở chất lượng nước mặt đã quá suy giảm, dẫn đến tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, gây sụt giảm mực nước và sụt lún đất.
Các kết quả nghiên cứu công bố mới đây đều cho thấy, đến nay đồng bằng có hơn 1 triệu giếng khoan nước ngầm, gây sụt giảm mực nước ngầm trung bình khoảng 26 cm/năm (từ 9 – 78 cm/năm) trên toàn đồng bằng; hơn 15 m ở vùng Cà Mau từ năm 1990.
Kéo theo đó là gây sụt lún trung bình toàn đồng bằng 1,6 cm/năm. Tuy nhiên có những vùng mức độ sụt lún rất lớn, như ở Sóc Trăng, từ năm 1991 - 2015 đã sụt lún tổng 35 cm, riêng trong năm 2015 đã sụt lún 2,5 cm... Khuyến cáo của các nhà khoa học, nếu tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay tiếp diễn, tổng sụt lún trung bình toàn đồng bằng đến năm 2050 (so với năm 1990) là 0,88 cm...
Theo ông Thiện, trong bối cảnh ĐBSCL an ninh nước cần tính đến cả số lượng, chất lượng nước, và sự biến thiên nước theo thời gian. Cần xem cả ba loại nước ngọt, mặn và lợ đều là tài nguyên của ĐBSCL; nguồn nước của đồng bằng là cả nước sông Mekong, nước mưa, nước ngầm và nước biển.
Trong tương lai, lượng nước ngọt có thể bị ảnh hưởng của BĐKH và thủy điện, kéo theo là xâm nhập mặn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận bức tranh tương lai về nước biển dâng, BĐKH, tác động từ thượng nguồn là không chắc chắn.
Vì vậy, cần tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên mà thuận thiên; giảm lúa vụ ba; chuyển từ tư duy tăng gia sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; không xây thêm nhà máy nhiệt điệ than (quy hoạch ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than đến năm 2030).
“Nếu thực hiện được, thì ĐBSCL sẽ biến thách thức thành cơ hội, nước mặn không còn bị xem là kẻ thù. Vùng nước lợ không bị xóa sổ; tác động thủy triều không bị xóa sổ. Sông ngòi được chảy thông thoáng, sẽ có khả năng tự làm sạch. Nước sông được phục hồi, sử dụng được, Giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún đất,…”, ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết nêu rõ, ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong.
Theo đó, Nghị quyết đưa các giải pháp tổng thể, như chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,…).
Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: Thuỷ sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực.
Bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác, dựa trên nguyên tắc hài hoà lợi ích của các bên liên quan, giữa điều kiện tự nhiên về đất, nước, hệ sinh thái và văn hoá, con người; chú trọng nâng cao tính liên kết về hạ tầng, chuỗi sản phẩm giữa các tiểu vùng sinh thái trong khu vực và giữa vùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM, tiểu vùng Mekong.