Thúc đẩy mô hình lúa- tôm
Trong các đối tượng nuôi trồng thủy sản, con tôm là một đối tượng có dư địa phát triển rất mạnh. Cả nước hiện có 680.000-700.000ha thả nuôi tôm nước lợ, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long có tới 515.000ha nuôi tôm quảng canh – quảng canh cải tiến với năng suất thấp, từ 100-250kg/ha/vụ, còn nhiều tiềm năng để nâng cao sản lượng. “Với thị trường trong nước 92 triệu dân và thị trường thế giới là khổng lồ, riêng con tôm còn dư địa rất tốt về thị trường” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), khả năng tăng trưởng sản lượng đối với tôm trên thế giới khó vì các quốc gia quan tâm đến phát triển tôm đều tập trung cho tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, tôm sú của Việt Nam có ưu thế rất lớn về giá trị và thị trường cao cấp do cỡ tôm to, ít bị cạnh tranh. Có thể nói, tôm sú đang là mặt hàng Việt Nam giữ thế độc quyền trên thị trường thế giới.
Vì vậy, đây là đối tượng nuôi có dư địa lớn để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành. Bộ NNPTNT đang thúc đẩy các mô hình tôm – lúa và các mô hình nuôi xen tôm và các đối tượng khác với mong muốn trong tương lai gần thúc đẩy năng suất trong ruộng nuôi quảng canh cải tiến lên 300-400kg/ha; năng suất trong ao bán thâm canh bậc thấp đạt 1,2-1,5 tấn/ha.
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho hay, thời tiết hiện nay diễn biến theo hướng tích cực, các tỉnh/thành phố Nam Bộ đã có mưa làm cho nhiệt độ và độ mặn giảm (độ mặn 15-20‰, cao nhất là 30‰, nhiệt độ nước 30-31 độ C) là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi tôm.
“Về kỹ thuật, cần hướng dẫn người nuôi khẩn trương cải tạo ao đầm, đẩy nhanh tiến độ thả giống, lưu ý giải pháp thả giống cỡ lớn (sau khi ương/dèo từ 15-30 ngày) để rút ngắn thời gian nuôi, thả mật độ thưa để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là để đảm bảo thời vụ cho mô hình tôm – lúa. Đồng thời, nhanh chóng tổng hợp các mô hình, giải pháp kỹ thuật hay từ thực tiễn để phổ biến, nhân rộng” – ông Cẩn lưu ý.
Để lấy tôm bù lúa và tăng trưởng của toàn ngành, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy sản khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo thị trường liên tục, không trục trặc; kiểm soát chặt chẽ giống tôm, dịch bệnh và sử dụng kháng sinh để không bị thua thiệt (không bị chết và không bị trả về).
Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phải xây dựng kế hoạch hành động chi tiết 6 tháng cuối năm để phát triển tôm nước lợ, tập trung vào đồng bằng sông Cửu Long để chỉ đạo sát, tạo ra những chuyển biến thực tế ở các địa phương; đồng thời Tổng cục Thủy sản phối hợp Cục Thú y lập các tổ công tác, bám sát tình hình thực tiễn ở các tỉnh nuôi tôm để hướng dẫn và có chỉ đạo sát sao, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ về giống.
Khan hiếm công nhân chế biến tôm
Hiện nay, sản lượng tôm nước lợ cung cấp cho thị trường chưa nhiều nhưng giá tôm bán tại ao sụt giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6 do nhu cầu thấp (Trung Quốc và các nước cũng đang thu hoạch tôm nên nguồn cung tôm thế giới tăng). Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, thực ra giá thị trường thế giới đang tăng, nhưng do các nhà máy không còn nhiều công nhân nên làm không hết tôm nguyên liệu, đành phải giảm giá thu mua để giảm lượng tôm dồn về nhà máy. “Mặc dù doanh nghiệp đã giảm giá mua tôm từ 10.000- 20.000 đồng/kg, nhưng họ vẫn đưa tôm vào đầy nhà máy, làm không hết được” – ông Quang nói.
Ông Quang thông tin, tại các doanh nghiệp khác, đến nay mỗi nhà máy còn 200-300 công nhân, nhà máy nào nhiều thì 1.000-1500 công nhân. Riêng Minh Phú, trước đây mỗi nhà máy là 7.500 công nhân, bây giờ Nhà máy Minh Phú Cà Mau còn 5.000, Nhà máy Minh Phú Hậu Giang còn 4.000 (giảm 5.000 công nhân). Như vậy, nếu sản lượng tôm 6 tháng cuối năm tăng mà không giải quyết được vấn đề công nhân thì sẽ không sản xuất hết tôm, tôm sẽ bị ứ lại.
“Công ty chúng tôi đang phải chạy đôn chạy đáo tới các địa phương nhờ họ tuyển công nhân, cứ ai tuyển được 1 công nhân thì công ty bồi dưỡng 100.000 đồng, rồi công nhân mới vào sẽ được thưởng và đáp ứng đầy đủ mọi chính sách, nhưng gần như không tuyển được công nhân. Bởi trong 6 tháng đầu năm ít việc công nhân đã tản hết lên các khu công nghiệp ở Bình Dương” – ông Quang chia sẻ.
Vì vậy, Công ty Minh Phú đang chuyển hướng sản xuất tôm nguyên con để bán sang thị trường Trung Quốc. “Minh Phú sẽ đặt mua cho mỗi nhà máy từ 4-5 máy phân cỡ tôm. Năng suất mỗi máy đạt 1,5 tấn/giờ, 1 ngày làm 20 tiếng tính ra được 30 tấn. 5 máy trong một ngày sản xuất được 150 tấn mới giải quyết hết nguyên liệu” – ông Quang cho biết. Theo ông Quang, giá thành sản xuất tôm nguyên con nếu phân loại bằng tay là 15.000-18.000 đồng/kg, nếu làm bằng máy phân cỡ chi phí chỉ có 2.000 đồng/kg. Như vậy, doanh nghiệp bán rẻ 2.000-3.000 đồng/kg, bao nhiêu cũng bán hết.
Để gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ làm việc với lãnh đạo các địa phương để giúp doanh nghiệp tuyển dụng công nhân thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo lao động. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng máy móc trong sản xuất.
Trong 1-2 tháng tới, xu hướng biến động giá tôm chưa rõ ràng khiến những người nuôi ở địa phương lo lắng. Giá thức ăn tôm vừa được các đại lý thông báo tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg sẽ khiến giá thành nuôi tôm tăng lên, lợi nhuận nuôi tôm sẽ giảm.
Tăng cường kiểm tra chất lượng con giống
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy sản phải rà soát lại những đơn vị sản xuất tôm giống và nhập khẩu giống bố mẹ, công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản. Tăng cường kiểm tra chất lượng về sản xuất giống, kể cả ương giống và hướng dẫn cho các địa phương để tăng cường kiểm tra; tiếp tục kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào... Đồng thời, Cục Thú y đề xuất ngay cho Bộ một chương trình giám sát dịch bệnh đối với tôm nước lợ từ giờ đến cuối năm cũng như trong năm 2017. “Không giám sát tốt dịch bệnh, chúng ta đừng nói đến câu chuyện tăng trưởng” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.