Hóa ra còn nhiều nơi khác, cái tên thè be khá độc đáo ấy cũng được dùng để gọi những loại cá chẳng có họ hàng gì với cái con cá mà mình biết.
Loại mình dày và dài như cá mại. Loại mình mỏng và to như cái lá mít. Loại màu hung đỏ, vây dài đuôi dài. Rồi thè be nước ngọt, thè be nước mặn, thè be cá cảnh.
Lại có cả loại thè be dùng làm gỏi, tức là có thể dùng dao lạng hai mảnh thịt ở hai bên sườn con cá. Dân vùng Nam Trung Bộ gọi một loại cá trích là cá thè be. Một số nơi nuôi thả cá thè be như nuôi thả những loại cá thương phẩm khác. Mình ngắm hình ảnh những con cá lạ hoắc trên mạng hồi lâu, vẫn không sao hình dung nổi với kích thước ấy, hình thù ấy, mà cũng được gán cho cái tên trùng với tên loài cá quen thuộc ở con sông quê mình.
Hồi nhỏ ở làng, ba tháng hè nghỉ học là ba tháng vui chơi, tận hưởng những niềm vui mà đất đai, đồng ruộng, sông ngòi… có thể mang lại cho một đứa trẻ. Chăn trâu thả diều. Đánh khăng chọi đáo. Đi đánh dậm, đi cất vó, đi thả rọ, đi câu cũng là chơi. Vừa làm vừa chơi. Chơi mà kiếm được thức ăn về nhà, đỡ tiền chợ cho mẹ. Nói riêng chuyện câu thì mình câu đủ thứ. Câu cá, câu tôm, câu ếch, câu ba ba, câu lươn.
Cách câu cũng khác nhau: câu quăng, câu rồng rồng, câu đứng bóng, câu thả thính, câu chùm, câu có mồi, câu không mồi, cá to dùng dây cước, cá nhỏ dùng sợi chỉ làm dây câu. Một chùm hoa giả làm bằng mảnh lá chuối úa vàng để nhử ếch có thể dùng cho cả ngày. Một cái lưỡi câu mài bén cũng có thể mang được con mè, con trắm những hôm trở trời thiếu dưỡng khí, cá úi lên đầy mặt ao.
Thè be là loại cá nhỏ sống ở sông. Con sông chảy qua làng mình đổ ra sông Hồng bốn mùa nước trong vắt. Có những người thuyền chài ở hai bên sông chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá.
Đêm đêm, tiếng thanh tre gõ mạn thuyền của họ vang vọng khắp mặt sông. Trẻ con tụi mình thì chỉ quen với hai loại cá: cá bống và cá thè be. Câu cá bống gọi là vê bống. Cành câu dài, cước dài, lưỡi câu có ngạnh, và gắn thêm cục chì ở đầu đoạn cước buộc lưỡi câu. Quăng câu xuống, cục chì nặng kéo lưỡi câu mắc con tép ươn làm mồi xuống sát đáy sông. Người câu cứ nhẩn nha vê cành từng nhát một. Con bống nằm trong kẽ đá lao ra đớp mồi…
Nhưng cá bống hơi khó câu. Câu cá bống đòi hỏi tính kiên trì, lại phải qua nhiều năm kinh nghiệm mới phát hiện ra đoạn sông nào có tổ bống. Cả hai thứ ấy trẻ con tụi mình đều thiếu. Câu thè be chỉ cần một cành câu làm bằng cái tay tre dài hơn sải tay, lưỡi câu nhỏ buộc chỉ, dăm con giun bằng đầu tăm bứt ra từng mẩu làm mồi.
Chọn một chỗ mát ven sông, dưới gốc si già hay dưới chân một cái lò gạch cũ. Dọc bờ sông làng mình có vài gốc si, vài cái lò gạch bỏ hoang như vậy. Buông câu chừng nửa phút là thè be đã xúm đến tranh nhau cắn.
Cá bống thịt nhiều xương ít, kho khô ăn rất tốn cơm! Thè be ít thịt, cứng xương, câu lấy vui là chính (chủ bụng kiếm thức ăn thì tụi mình thường đi câu thứ khác trong ao trong hồ). Loại cá này mình dẹp lép, hình dạng giống chiếc lá sòi. Phía lưng óng ánh như rắc một lớp nhũ mỏng. Con cá cắn câu giật lên như mảnh thiếc liệng một đường trên không, bắt ánh nắng xanh lấp lánh.
Mỗi lần ra sông có thể câu được cả xâu thè be dài. Đem xâu cá ấy về luộc lên, gỡ lấy thịt cũng chỉ nấu đủ bát canh. Nhưng cả một buổi chiều được hưởng niềm vui của người đi câu, được ngâm mình dưới con sông quê mát rượi cùng bè bạn nô đùa… thì không giá nào mua được.
Nhớ thằng bạn hàng xóm tên Dũng, "chuyên gia" câu thè be. Dũng là bạn kéo vó, đánh dậm, thả rọ, đi câu… hàng ngày cùng với mình. Nhưng hình như cậu chàng khoái câu thè be hơn cả. Đi câu chung với Dũng, đám thè be dưới sông bảo nhau xúm vào ăn mồi của nó. Nó giật lên nhoay nhoáy, năm sáu con mình chưa được một. Tụi bạn gọi nó là "Dũng thè be", để phân biệt với "Dũng ốc nhồi" ở xóm ngoài.
Bố Dũng mất sớm. Nhà chỉ có hai anh em nó, mẹ và bà nội. Bà nội già yếu, suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Một mình mẹ lặn lội khuya sớm ngoài đồng để nuôi hai anh em nó ăn học.
Nhà nghèo, nên cua cá tôm tép Dũng kiếm được đều phải đem ra chợ bán lấy tiền để mua sách vở bút mực, đóng học phí… Chỉ có cá thè be là được giữ lại làm thức ăn. Suốt mấy tháng hè, trong bếp nhà Dũng lúc nào cũng có một niêu thè be kho với chuối xanh, một con thè be bằng cái lá sòi cõng theo bốn miếng chuối như bốn khẩu mía.
Giỏi câu thè be nên Dũng rất khoái ra sông câu thè be. Bị Dũng rủ đi hoài, nhiều hôm mình phát cáu:
- Câu mãi thứ cá khỉ gió ấy mà không biết chán à?
Nghe mình càu nhàu, bao giờ Dũng cũng chỉ biết nhe răng ra cười. Còn mình lại thấy hối. Mình chê cá thè be rẻ tiền. Ừ, nhưng nếu không có cái thứ cá "khỉ gió" ấy thì không biết những bữa ăn nhà nó lấy gì đưa cơm?
Nghĩ thế nên lại chiều Dũng. Nhưng cũng có hôm vừa vác cành ra tới sông, gặp bọn bạn đi tắm, mình lại bỏ cành nhảy xuống sông bơi thi với chúng nó. Một lần như thế, mình Dũng cứ lủi thủi trên bờ, giật lên hết con thè be này đến con thè be khác. Tắm chán bơi chán, lên mặc quần áo gom đồ câu đi về, thấy Dũng đưa cho một xâu thè be dài:
- Chia cho mày một nửa.
Mình không chịu nhận thì Dũng lại bảo:
- Đã vác cành đi câu, kị nhất là vác cành về không. Mày mà về không là nghề câu của mày sẽ lụi.
Nói xong lại ấn xâu cá vào tay mình và nhe răng ra cười.
Bao nhiêu năm sau, mỗi khi hè đến lại nhớ mùa câu cá thè be ở sông quê. Nhớ những con cá mắc câu bay lên từ mặt nước, lấp lánh ánh mặt trời. Nhớ tiếng reo cười của bạn bè. Và nhớ nụ cười hiền lành của "Dũng thè be" khi chia cho mình một nửa xâu cá…