Tháng 9 năm ngoái, sau chuyến khảo sát thực tế một tuần tại Việt Nam, phía EU đã khuyến nghị Việt Nam ngừng cấp chứng thư cho một số sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất vào EU (sò điệp, sò lông). Lý do phía EU đưa ra là họ đã phát hiện nhiều lỗi rất nghiêm trọng trong quá trình chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Hồng Phong – Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqas), chỉ rõ ba lỗi nghiêm trọng mà phía EU đưa ra sau đợt khảo sát: Thứ nhất sản phẩm cồi sò điệp chỉ được trụng hoặc chần mà chưa được xử lý nhiệt triệt để theo đúng quy định của EU. Thứ hai khi sản phẩm xuất khẩu nguyên con bị xác định có độc tố thì đình chỉ vùng thu hoạch (ngay cả khi doanh nghiệp chứng minh được chất lượng phần thịt của nhuyễn thể là không có độc tố thì EU cũng không chấp nhận). Thứ ba EU cho rằng, việc kiểm tra, thẩm tra hoạt động xử lý nhiệt của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Thừa nhận EU cũng đã áp dụng nhiều quy định có phần cứng nhắc trong việc cấp chứng thư cho sản phẩm nhuyễn thể nhập khẩu vào thị trường này, song ông Phong nhấn mạnh, với tư cách là người mua hàng, khách hàng hoàn toàn có thể đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt mà bên bán hàng chỉ còn cách cố gắng đáp ứng đầy đủ nếu muốn bán được sản phẩm.
Từ đó đến nay, đã có những doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo đáp ứng các quy định của EU. Điển hình là Công ty TNHH Hải Nam. Sau đợt kiểm tra của EU năm 2014, Hải Nam đã đầu tư trang thiết bị xử lý nhiệt sản phẩm sò điệp, sò lông để đáp ứng yêu cầu theo quy định của EU. Nhờ đó 8 tháng đầu năm nay, Hải Nam đã xuất được khoảng 500 tấn sò điệp, sò lông vào thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Ánh – Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) cũng cho biết, 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của công ty này đạt 9,3 triệu USD. Trong đó, khối lượng xuất khẩu nghêu trong 7 tháng đầu năm đạt 1.804 tấn, trị giá 3,77 triệu USD. Châu Âu là thị trường nhập khẩu nghêu lụa chính của công ty Sotico trong 7 tháng đầu năm nay…
Khi các doanh nghiệp chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn từ đối tác, chắc chắn thị trường xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sẽ còn rộng mở hơn trong tương lai.
Tăng xuất khẩu nhuyễn thể
Trong mấy năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ liên tục tăng trưởng đều đặn. Năm 2014, mặt hàng này được xuất khẩu vào 9 thị trường lớn trên thế giới, đạt kim ngạch 80 triệu USD, tăng 10,7% so với năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu nhuyễn thể sang 48 thị trường, tổng giá trị xuất khẩu đạt 40,21 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Lê Hằng, Phó giám đốc VASEP cho biết, các thị trường lớn đã tăng dần lượng nghêu chế biến trong cơ cấu nhập khẩu từ 5 – 25% so với năm 2014, bên cạnh các mặt hàng sò điệp, hàu, vẹm… Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam.
Theo nhận định của bà Hằng, dự kiến đến cuối năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể lên tới 85 triệu USD, tăng 5% so với năm 2014.