Nghiên cứu do Chính phủ Campuchia và Chính phủ Lào tiến hành với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho thấy cá bảy mầu không gây tổn hại chất lượng nước và vẫn có thể sống được nhờ các vi sinh vật khi không có ấu trùng muỗi.
Trong dự án thí điểm tại Campuchia, 88% nơi chứa nước sinh hoạt trong cộng đồng đã được nuôi cá bảy mầu, và tỷ lệ này tại Lào là 76%.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, chuyên gia y tế ADB, Gerard Servais cho biết nuôi cá cảnh bảy mầu trong những nơi chứa nước sinh hoạt là một biện pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, an toàn và hiệu quả cao trong phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, thay vì phải sử dụng các loại hóa chất độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người.
Với thành công thí điểm phương pháp này tại hai huyện của Lào và Campuchia, ADB sẽ tiếp tục tài trợ triển khai dự án này tại các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với tổng giá trị 1 triệu USD.
Sốt xuất huyết là căn bệnh dễ mắc, dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, khi dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng không chỉ đến các gia đình phải chi phí tốn kém cho chăm sóc người bệnh, mất thời gian, công sức, mà còn ảnh hưởng đến cả các dịch vụ y tế, hoạt động kinh doanh và du lịch, gây căng thẳng cho ngân sách nhà nước, trong khi thế giới hiện vẫn chưa có vắcxin hay thuốc đặc trị cho bệnh này.
Theo WHO, khoảng 2,5 tỷ người trên toàn thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó hơn 70% sống ở châu Á và Thái Bình Dương. Mối đe dọa dịch sốt xuất huyết bùng phát do muỗi mang mầm bệnh đang gia tăng với sự bùng nổ đô thị hóa không thể kiểm soát và việc sử dụng phổ biến bao bì không phân hủy. Mỗi năm bệnh sốt xuất huyết cướp đi sinh mạng của 20.000 người trên toàn thế giới./.