Mặc dù Nhật Bản đã áp dụng kiểm tra Ethoxyquin trong tôm XK của Việt Nam nhưng XK tôm của công ty sang thị trường này vẫn không sụt giảm, tuy nhiên công ty sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn mức dư lượng Ethoxyquin trong sản phẩm trước khi XK. Hàng giá trị gia tăng chiếm 20% trong tổng khối lượng tôm XK của công ty sang Nhật Bản, còn lại là các mặt hàng tôm tươi và tôm đông IQF.
Công ty hiện có vùng nuôi tôm tại huyện Trần Văn Thời với diện tích 8 ha, sản lượng khoảng 30 tấn/vụ. Mặc dù vùng nuôi này chỉ đáp ứng khoảng 4% lượng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nhưng vì là vùng nuôi của công ty nên trong quá trình nuôi, việc quan tâm đến vấn đề kiểm soát chất lượng con giống, giám sát môi trường, mầm bệnh trong ao nuôi (các yếu tố thủy lý, thủy hóa, vi khuẩn, nấm) cũng như kiểm tra dư lượng kháng sinh trong sản phẩm trước khi thu hoạch đã được tiến hành thường xuyên. Vì vậy, công ty rất yên tâm với tôm nguyên liệu thu hoạch của vùng nuôi này khi đưa vào chế biến XK, đặc biệt khi XK sản phẩm tôm sang thị trường chủ lực của công ty là Nhật Bản.
Việc kiểm tra dư lượng kháng sinh và các chất độc hại trong sản phẩm nuôi là nguyên tắc cần thiết. Điều này không chỉ tạo tiền đề để nuôi trồng thủy sản bền vững mà còn đảm bảo hàng thủy sản hội nhập được với thị trường thế giới.
Mặc dù XK tôm của công ty sang Nhật Bản không giảm nhưng XK tôm sang Châu Âu lại giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết, XK tôm sang Châu Âu giảm chủ yếu do suy thoái kinh tế nên các nhà NK chỉ mua đủ lượng hàng tiêu thụ, không mua dự trữ như các năm trước và chủ yếu mua tôm chân trắng.