“Hung thần” ở biển
Nhiều lần ghé về hai cảng biển Cửa Việt, Cửa Tùng (Quảng Trị), hỏi ngư dân về tình hình biển dã, tức khắc chúng tôi được nghe lại những lời ca thán về vấn nạn giã cào bay, đang làm mưa làm gió ở vùng biển bãi ngang Quảng Trị. Không những ngư dân ở Quảng Trị đụng phải “giặc” giã cào bay mà những ngư dân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh nhiều năm nay đều phải cắn răng chịu đựng, mặc dù đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên các ban ngành chức năng nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Theo lời ngư dân Nguyễn Ngọc Thiên, 45 tuổi, trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, hầu hết tàu cá ở đây đều nhiều lần đụng phải “giặc” giã cào phá hết ngư lưới cụ, họ đành ngậm ngùi trở về tay trắng. Cuối năm 2016, anh Thiên và bạn thuyền ra khơi đánh bắt bằng lưới rê bùng nhùng thì bị một tàu lạ dùng mỏ neo kéo rách nhiều tay lưới, ước tính thiệt hại trên 50 triệu đồng.
Chung nỗi niềm với anh Thiên, anh Đoàn Văn Dũng, 46 tuổi, trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt cũng nhiều lần bị tàu giã cào ngoại tỉnh và tàu lạ phá hoại ngư cụ. Những ngày cuối năm 2016, anh Dũng hẹn gặp chúng tôi để giãi bày mối lo đã ém chặt bao năm nay, chuyện gặp phải những “hung thần” khi đang đánh bắt cá ngoài biển.
Anh đặt tập đơn dày cộm trước mặt chúng tôi, buồn bã nói: “Trong năm 2016, ước tính tôi bị thiệt hại trên 40 tay lưới kéo rê, trên 300 triệu đồng. Mấy chuyến biển đó trở về đều lỗ nặng chẳng biết lấy gì mà bù. Sau mỗi sự việc, chúng tôi đã gửi đơn lên nhờ các cơ quan chức năng giúp đỡ, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn tiếp diễn. Giờ ngày nào ra biển cũng rất lo, nhỡ đụng phải bọn “giặc” ấy thì chỉ có về tay trắng”.
Nhắc đến “giặc” giã cào bay, lão ngư Lê Kiên, một ngư dân có thâm niên trong nghề biển ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) thở dài: “Vài năm trở lại đây, những chiếc tàu hành nghề giã cào ngoại tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… họ đánh bắt theo kiểu tận diệt rồi ngang nhiên phá hoại ngư lưới cụ của chúng tôi. Trước kia, ở vùng biển Vĩnh Linh nhiều cá nên có nghề tra cơn (làm nhà cho cá ở dưới đáy biển - PV), sau rồi các tàu ngoại tỉnh đánh bắt chộp giật quá nên cá tôm cũng hiếm dần. Ngày nay, nhiều chủ tàu thuyền đã chuyển từ nghề tra cơn sang làm lưới mực, lưới ghẹ nhưng rồi cũng lao đao vì tàu giã cào liên tục phá hết ngư lưới cụ, lâm vào cảnh nợ nần rồi không có vốn mua sắm ngư lưới cụ mới để ra khơi tiếp, đành gác ghe dài ngày trên cát”.
Mới đây nhất, vào ngày 28-3, 2 tàu cá của ngư dân Nguyễn Ngọc Lân (47 tuổi) và Nguyễn Văn Hiền (32 tuổi) cùng trú tại thôn 6, xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) khi ra biển đánh bắt thì bị tàu giã cào ngoại tỉnh kéo rách nát trên 50 tay lưới, ước tính thiệt hại rất lớn. Anh Hiền bức xúc: “Các tàu giã cào ngoại tỉnh có công suất lớn nên khi phát hiện ngư cụ bị phá, chúng tôi không thể làm gì được vì tàu chúng tôi nhỏ, công suất thấp nên đuổi theo không kịp. Chuyến biển vừa rồi thất bát, lỗ nặng.
Hiện tại, chúng tôi chẳng biết vay đâu ra tiền để mua ngư lưới cụ tiếp tục vươn khơi đánh bắt. Đây là lần thứ 3 tàu tôi bị “hung thần” ở biển phá. Riêng năm ngoái, tàu giã cào kéo rách hoàn toàn trên 42 tay lưới của tôi. Chuyến biển nào mà gặp phải chúng là xác định trắng tay trở về. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi bây giờ là các cơ quan chức năng sớm có biện pháp vào cuộc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá ngoại tỉnh ngang nhiên hành nghề giã cào sớm ngày nào hay ngày đó”.
Bất lực với giã cào biển
Theo các ngư dân, những tàu giã cào thường hoạt động vào ban đêm, theo từng cặp tàu, ở giữa kéo theo lưới dạ để tận thu các loại hải sản từ lớn đến nhỏ, tận diệt tất cả không chừa thứ gì. Cách gọi nghề giã cào “bay” được hiểu là nghề giã cào sử dụng các tàu cá lớn, công suất trên 900CV trở lên, thường xuyên đánh bắt hải sản ở các vùng biển trên cả nước. Khai thác cạn nhẵn nguồn hải sản trên vùng biển này, các tàu lại chuyển địa bàn, đi đến đâu gây nhiễu loạn ở đó, ngư dân ở đó than trời.
Lão ngư Phan Văn Dàn (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) nói như khóc: “Gọi giã cào bay là bởi chúng khai thác rất nhanh, tàu lớn chạy mạnh, như bay giữa biển vậy, khiến chúng tôi trở tay không kịp. Đi đến đâu là phá đến đó, tận diệt chẳng chừa lại một con gì. Nghề họ có đặc thù là “tận diệt và phá hoại”, chẳng khác nào “hung thần” ở biển.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Năm nào cũng vậy, đều đặn qua mỗi tháng chúng tôi tổ chức 3-4 chuyến tuần tra, kiểm soát dọc theo bờ biển của tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, xử lý và trục xuất một số tàu giã cào khai thác sai tuyến theo quy định. Tàu giã cào thường khai thác gần bờ, đây là nơi sinh sản và sinh sống của các loài thủy, hải sản. Các tàu giã cào này thường xuyên hoạt động vào ban đêm, khai thác ngày càng tinh vi. Họ có mật báo nên mỗi khi có tổ tuần tra ra biển là báo cho nhau tẩu thoát. Ngay cả khi lực lượng chức năng bắt quả tang thì các tàu cá còn quay lại chống đối, cản trở người thi hành công vụ giữa biển. Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với cấp trên để có những chính sách, chiến lược hỗ trợ ngư dân, đồng thời đẩy đuổi xử lý dứt điểm những tàu giã cào ngoại tỉnh hoạt động trái phép trên vùng biển Quảng Trị. “Đặc biệt là những tàu giã cào bay ở Bình Thuận rất khó phát hiện, bắt giữ vì hoạt động quá tinh vi, rất nhanh. Hiện chúng tôi đã có những pháp chế xử lý nặng khi phát hiện tàu giã cào hoạt động trái phép. Thu giữ hết các thiết bị đánh bắt và phạt lên đến 50 triệu đồng mỗi tàu”, ông Nam cho hay.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Quảng Trị không cấp giấy phép hoạt động nghề giã cào cho tàu thuyền nào. Trở lại những năm gần đây, việc khai thác và đánh bắt thủy hải sản trên cả nước đang ngày càng hiện đại hóa, các tàu cá được đầu tư lớn để nâng cao năng suất, mã lực ra khơi đánh bắt. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các tàu giã cào hoạt động trái phép, ngang nhiên hơn. Chi cục Thủy sản Quảng Trị kêu gọi sự hợp tác đồng loạt của các ban ngành liên quan chung tay ngăn chặn, hạn chế “giặc” giã cào bay ngoài biển. Đồng thời yêu cầu các địa phương vùng biển cần có quyết sách ngăn cấm các tàu tàu giã cào hoạt động trái phép. Tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất ngành thủy sản cả nước cần phải vào cuộc để nhận định lại loại hình giã cào này, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì rất nguy hại đến sinh thái biển trong tương lai, đồng thời gây tâm lý hoang mang trên ngư trường chung của cả nước.
Bao giờ ven biển miền Trung hết “giặc” giã cào bay? Câu hỏi đó được đặt lên bàn làm việc các cơ quan hữu trách và ai nấy vẫn đang đau đáu tìm giải pháp ngăn chặn dứt điểm để mùa yên vui lại về trên ngư trường biển Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.