Ảm đạm vụ cá nam
Nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận chẳng buồn vươn khơi khi chuyến biển nào cũng lỗ tổn. Những năm trước, mỗi chuyến biển kéo dài 20 - 25 ngày, tàu ông Lê Văn Thành thu về hàng chục tấn cá các loại. Tuy nhiên, 3 - 4 năm trở lại đây, sản lượng thủy sản thu về giảm hơn 50%, nên ông Thành thường xuyên lỗ tổn. Như vụ cá nam năm nay, tàu của ông Thành rơi vào cảnh “thu không đủ chi”, nên phải thường xuyên neo bờ.
Lẽ ra thời điểm này mọi năm, ngư dân đi mành vui như hội, vì khai thác được nhiều cá cơm. Thế nhưng, năm nay sản lượng cá cơm cũng giảm mạnh. “Tàu nhà tôi đi mành chà hơn 1 tháng, nhưng cá cơm ít quá, nên chỉ hòa và lỗ phí tổn. Vì vậy, bạn thuyền bỏ tàu, lên bờ kiếm nghề khác”, ngư dân Nguyễn Nhanh cho biết.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, vụ cá nam năm nay ngư dân gặp nhiều khó khăn, do thời tiết đầu vụ bất lợi, cộng với sản lượng thủy sản cạn kiệt, trong khi chi phí sản xuất liên tục tăng cao. Hơn nữa, nhiều ngư dân chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức khai thác, nên năng lực và hiệu quả khai thác thấp. Do đó, dù là vụ khai thác chính, nhưng các cảng cá và làng chài trong tỉnh lại đìu hiu, vì tàu cá nằm bờ nhiều.
Phấn khởi vụ bấc
Trong khi nhiều tàu lớn “ngủ đông”, thì các phương tiện đánh bắt gần bờ đang được ngư dân tất bật kiểm tra, sửa chữa, để sẵn sàng bước vào vụ bấc. Theo ngư dân Trần Văn Ba (P. Bình Hưng), mùa này ghẹ nhiều, có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm, nếu may mắn, sau một ngày đêm, ông Ba có thể thu được 1 - 2 tạ ghẹ. Với giá ghẹ dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/kg, những ngư dân khai thác ven bờ như ông Ba cũng có thêm thu nhập khá. Còn ngư dân ven biển các xã Tiến Thành, Mũi Né (TP. Phan Thiết), phường Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân (thị xã La Gi) cũng sôi động với nghề lờ mực, lưới vây, lưới kéo... để khai thác cá đối, cá trích...
Theo kinh nghiệm của ngư dân, biển động sẽ “kéo” nhiều loại thủy sản tập trung về vùng cửa biển, cộng với giá bán cao, nên ngư dân thường có thu nhập khá. Chính vì vậy, mùa làm ăn chính với ngư dân khai thác ven bờ là vụ cá bấc (còn gọi là vụ gió chướng), bắt đầu từ cuối tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Sau vụ cá nam không mấy thuận lợi, ngư dân hy vọng vụ bấc sẽ được bội thu.
Tuy nhiên, vì phương tiện nhỏ, công cụ khai thác thô sơ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm “đoán thời tiết, nhìn con nước” của ngư dân, nên hoạt động khai thác ven bờ mùa biển động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, chính quyền các địa phương ven biển cần tuyên truyền, khuyến cáo ngư dân thường xuyên theo dõi tình hình và diễn biến thời tiết; đồng thời chỉ ra khơi lúc trời “êm”, còn khi mưa to, gió mạnh thì phải neo bờ.