Hiệu quả bước đầu
Thực hiện Quyết định số 1050/QĐ-NHNN, ngày 28-5-2014, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHHH) Việt Nam về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, đầu tháng 5-2014, 4 doanh nghiệp (DN) “tiên phong” của tỉnh gồm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An (Tafishco), Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú và Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Tín Thương được NHNN đồng ý cấp hạn mức tín dụng 350 tỷ đồng thực hiện thí điểm 4 chuỗi giá trị. Trong đó, Tafishco được vay 234 tỷ đồng từ Agribank để thực hiện dự án chuỗi liên kết cá tra. Dự án có 8 hộ dân tham gia với diện tích 22,95 héc-ta và vùng nuôi của công ty là 18,6 héc-ta. Bằng hình thức giải ngân vốn qua đơn vị cung ứng thức ăn theo từng đợt đặt hàng, Agribank An Giang cho vay trực tiếp đến hộ nông dân để bà con đầu tư thức ăn nuôi cá. Tafishco thực hiện bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia chuỗi.
Qua 1 năm triển khai, kết quả bước đầu cho thấy, nông dân rất phấn khởi khi các điều kiện cơ bản về vốn, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… đều được đáp ứng và không phải lo về đầu ra sản phẩm. “Nếu ở chuỗi nếp và lúa, nông dân và DN chưa gặp nhau về định giá thị trường thì ở chuỗi cá tra, chúng tôi rất yên tâm với cách làm của Thuận An. Giá mua theo thời điểm được xác định trên cơ sở tham chiếu giá ở 3 DN lớn trong cùng một ngành hàng và cùng thời điểm” – ông Lê Quang Vinh, thành viên tham gia chuỗi, chia sẻ. Đến cuối tháng 4-2015, đã có 26 ao nuôi của 6 thành viên trong chuỗi tiến hành thu hoạch cá, đạt 8.320 tấn, tổng giá trị 191,3 tỷ đồng. “Thực tế đã chứng minh, khi nông dân tham gia vào chuỗi thì chí phí đầu tư thấp, giá thành sản xuất hạ, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận tăng lên. Về phía DN, chúng tôi đã chủ động được nguyên liệu để chế biến, chất lượng nguyên liệu được nâng lên, sản phẩm làm ra tốt, luôn được các nhà nhập khẩu chấp nhận. Đây là một mô hình, một phương thức sản xuất mới cần được nhân rộng” - ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Chuỗi liên kết sản xuất cá tra của Tafishco, khẳng định.
Kiến nghị
Qua 1 năm thực hiện mô hình thí điểm trên địa bàn tỉnh, trong 4 mô hình thì có 2 mô hình được đánh giá thành công, gồm cá tra và rau quả. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng là một hình thức sơ khai của mô hình Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) kiểu mới mà An Giang đang ráo riết vận động để thành lập. Mô hình này đang khẳng định tính đúng đắn trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Sự phân công lao động trong chuỗi giá trị mang tính chuyên sâu để sản phẩm làm ra chất lượng và giá thành cạnh tranh…
Tuy nhiên, liên kết sản xuất mới chỉ dừng lại ở chỗ giúp nhau tiêu thụ sản phẩm. Nếu tiến tới thành lập HTXNN kiểu mới thì lợi nhuận của những người tham gia sẽ tốt hơn nữa, bởi mục tiêu tối thượng của HTX là phục vụ thành viên, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ mà HTX cung ứng. Để mô hình phát triển mang tính chiều sâu, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… để khuyến khích DN mở rộng đầu tư, đổi mới dây chuyền, công nghệ. Tỉnh cần tạo ra khung pháp lý để các bên tham gia tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh hợp đồng liên kết đã ký với nhau cũng như các quy định trong việc vay vốn. Có như vậy, sản phẩm làm ra từ mô hình liên kết này mới mang tính cạnh tranh cao. Các bên tham gia giữ được “chữ tín” trong làm ăn để phát triển lâu dài.
“Trong một thế giới phẳng và cạnh tranh mang tính toàn cầu như hiện nay, để sản phẩm xuất được vào các thị trường khó tính, đòi hỏi đầu tiên là sản phẩm phải tốt, chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán phải cạnh tranh, phương thức thanh toán linh hoạt và chữ tín trong kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Antesco nhận thức rất rõ về điều này và đang phấn đấu làm tốt hơn nữa những gì mà chúng tôi đã nhận thức được. Chúng tôi mong muốn bà con nông dân cũng nhận thức như vậy để liên kết này phát triển bền vững trong tương lai…” – ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng Giám đốc Công ty Antesco, kêu gọi.