Riêng ở tỉnh An Giang hiện có 17 doanh nghiệp, 23 nhà máy, với tổng công suất chế biến khoảng 333.500 tấn/ năm. Hiện nay, ngành nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu tỉnh An Giang đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức khó khăn, và có khả năng sẽ không đạt được chỉ tiêu xuất khẩu mặt hàng cá tra năm 2012, với 165.000 tấn sản phẩm, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu là 465 triệu USD.
Khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu cho chế biến
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện nay trong toàn tỉnh có 960 ha diện tích mặt nước nuôi cá tra, với tổng sản lượng ước khoảng 227.000 tấn. Trong đó, có 274 ha thuộc vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp chủ động, tương ứng khoảng 82.200 tấn nguyên liệu, số diện tích nuôi còn lại nằm rải rác ở các nơi, dẫn tới tình trạng nguồn nguyên liệu thiếu ổn định về chất lượng, cộng với tình hình giá cả bấp bênh, người nuôi thiếu vốn sản xuất, dễ dẫn đến tình trạng treo ao, và xuất hiện tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến, gây đình trệ cho sản xuất. Con giống hiện nay trên thị trường chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng con giống kém nên mức hao hụt trong quá trình nuôi từ cá giống đến cỡ cá thương phẩm hiện nay phổ biến đến 40% làm chi phí nuôi tăng cao.
Xác định khâu đầu tiên để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra trên địa bàn là nguồn vốn phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu, tỉnh An Giang đã và đang triển khai thực hiện tạm thời phân loại 4 nhóm doanh nghiệp gồm: nhóm doanh nghiệp đang hoạt động tốt, chiếm 15,3% tổng số, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động khá, chiếm 15,38% tổng số, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động trung bình chiếm 38,46% tổng số, nhóm doanh nghiệp có nguy cơ ngừng sản xuất, chiếm 30,77% tổng số. Trong đó, nhận định nguyên nhân làm cho nhóm doanh nghiệp trung bình và nhóm có nguy cơ ngừng sản xuất chiếm tỷ trọng khá lớn, đến 69,23% là thiếu hụt nguồn vốn.
Theo kết quả khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang đều có mức vay lớn trên tổng vốn đầu tư, trong điều kiện lãi suất vay tăng cao (chu kỳ thời gian nuôi đủ chuẩn đưa vào chế biến xuất khẩu là từ 5 tháng đến 6 tháng). Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu ở An Giang liên tục giảm trong nhiều tuần qua, và đang dao động từ 22.000 đồng đến 23.300 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất cá tra hiện nay đang ở mức khoảng 24.366 đồng/kg, và với mức giá này, người nuôi lỗ từ 1.000 đồng đến 2.033 đồng/kg, dẫn đến nhiều hộ nuôi tính đến việc treo ao do không có vốn để tái đầu tư.
Tình trạng này sẽ dẫn đến việc thiếu nguyên liệu. Đến cuối năm, vấn đề này sẽ ngày càng rõ nét, bởi vùng nuôi của các doanh nghiệp chưa lớn. Tổng số vùng nuôi của doanh nghiệp hiện nay là 274 ha, chủ yếu của các doanh nghiệp chế biến lớn như Công ty Việt An, Cửu Long, Nam Việt, Tuấn Anh, Thuận An và Trường Giang. Với mức đầu tư cho 1 ha nuôi cá hiện nay là từ 6 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng, doanh nghiệp khó tiếp cận đủ nguồn vốn.
Gấp rút triển khai giải pháp vốn, vùng nguyên liệu cung ứng bền vững
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang nêu giải pháp về vốn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trên địa bàn. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, hệ thống ngân hàng xem xét tăng hạn mức tín dụng vay, đồng thời cơ cấu lại vốn vay chuyển từ ngắn hạn sang trung và dài hạn, để giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả về vốn. Tiếp tục miễn, giảm, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu nông- thủy sản có sử dụng nhiều lao động. Thực hiện việc liên kết người nuôi cá, doanh nghiệp, người cung ứng thức ăn, ngân hàng, trong đó vai trò người cung ứng thức ăn cho cá tham gia để đáp ứng nhu cầu vốn cho người nuôi và doanh nghiệp. Cần vận dụng nhiều mô hình như xây dựng cơ chế vay "tay ba" giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng được đảm bảo bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, như mô hình đang áp dụng tại Ngân hàng ngoại thương, chi nhánh An Giang đang thực hiện có hiệu quả.
Đối với nhóm doanh nghiệp trung bình và nhóm có nguy cơ ngừng sản xuất cần thực hiện ngay việc đánh giá, phân loại về năng lực tài chính, lực lượng lao động hiện tại, định hướng tính thanh khoản của doanh nghiệp thông qua các hợp đồng xuất khẩu, thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc hai nhóm này cũng cần phải triển khai triệt để thế mạnh của từng doanh nghiệp như sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, sản xuất phụ phẩm… kết hợp với cân nhắc tính khả thi trong định hướng đầu tư mới, tránh nóng vội và quan tâm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
Cần đảm bảo vùng nguyên liệu cá tra cung ứng cho chế biến, xuất khẩu, trong đó hai vấn đề cần chú trọng là con giống bảo đảm chất lượng và cân đối vùng nuôi cho phù hợp với thời vụ, chế biến. Tỉnh An Giang tổ chức khuyến cáo và tạo điều kiện để doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với Trung tâm giống của tỉnh, các cơ sở giống có xác nhận thông qua kế hoạch thả nuôi hàng năm, trên cơ sở này các đơn vị sản xuất giống chất lượng có xác nhận chủ động cung ứng, đảm bảo số lượng. Tỉnh An Giang tiếp tục triển khai dự án xã hội hóa công tác giống, thực hiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống cá tra cải thiện di truyền đàn cá bố mẹ, xây dựng thương hiệu, nâng tầm trại giống cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thực hiện soát xét lại quy hoạch vùng nuôi để giao đất tạo mặt bằng sạch quy mô từ 50 ha đến 100 ha mặt nước cho các nhà đầu tư vùng nuôi (thực hiện nhiều dự án quy mô nhỏ để các ngân hàng thương mại có điều kiện tham gia). Bằng cách đó sẽ có thể khuyến khích các doanh nghiệp chủ động từ 50% đến 60% vùng nguyên liệu. Số còn lại doanh nghiệp chủ động liên kết với bà con nông dân, hộ nuôi… để đảm bảo cho nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, với chất lượng tốt cho chế biến, xuất khẩu.
Tỉnh An Giang cũng đang triển khai các chương trình xúc tiến thị trường, quảng bá hình ảnh con cá trá tỉnh An giang ở các thị trường tiêu thụ và thị trường tiềm năng, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra An Giang.