Ký ức làng bè
Thuộc lớp người cả đời lênh đênh trên sông nước, ông Nguyễn Văn Hiền làthế hệ thứ 2 trong gia đình có “truyền thốngở bè” tại ngã ba sông Châu Đốc. Với ông Hiền, ký ức làng bè là một phần không thể thiếu trong cuộc đời, bởi ông còn nhớ như in những ngày đầu cùng cha xuôi mái chèo từ Biển Hồ (Campuchia) về cắm sào ở bến sông bình yên này. “Gia đình tôi về đây sinh sống từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Không biết ai là người phát kiến ra việc nuôi cá trong lồng bè nhưng nghe nói lại, nghề này đã có từ rất lâu, có thể đã gần trăm năm nay”.
Theo ông Hiền, nghề nuôi cá bè chỉ thật sự phát đạt từ năm 1990 trở về sau này. Đầu tiên, người nuôi cá bè chỉ làm với quy mô nhỏ, sản lượng cá đủ phục vụ tại các chợ trong vùng. Dần dần, con cá tra, cá ba sa (cá bụng) được thị trường ưa chuộng thì kích cỡ các bè cá cũng bắt đầu “nở” ra theo. Những chiếc bè cá có diện tích từ 60m2 đến100m2, phía dưới là lồng nuôi cá, phần trên là nhà để ở. Với những chủ bè “mạnh vốn”, họ có thể sở hữu 2 – 3 bè cá. “Lúc đó, cá tra, cá ba sa được thương lái mua với giá rất cao. Người ta đổ xô nhau nuôi cá bè, có hộ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng (số tiền rất lớn thời đó) để đầu tư nuôi cá tra, cá ba sa và đều thu được nguồn lợi lớn.” – ông Hiền nhớ lại. Vì thế, cả khúc sông Châu Đốc giai đoạn 1995 - 2000 dày đặc bè cá và rồi thuật ngữ “làng bè” cũng theo đó hình thành.
Biểu tượng cá ba sa tại ngã ba sông Châu Đốc
Không chỉ ở Châu Đốc, nghề nuôi cá bè còn lan đến những vùng lân cận. Tân Châu, Châu Phú, An Phú cũng hình thành những “xóm bè cá”, tuy nhiên chỉ có ngã ba sông Châu Đốc là nơi tập trung những bè cá lớn, có quy mô 50 – 60 tấn cá/bè. Thời kỳ cực thịnh, cá tra và cá ba sa đã trở thành biểu tượng của tỉnh và tượng đài cá ba sa ở TP. Châu Đốc là minh chứng cho thời kỳ “vàng son” đó.
Tìm lại thời hoàng kim
Sau gần thập kỷ phát triển mạnh, cá tra và cá ba sa gặp khó trên thị trường, làng bè cá bắt đầu rơi vào thời kỳ thoái trào. Là người từng “sống mái” với nghề nuôi cá bè, ông Nguyễn Văn Công tâm sự: “Thời kỳ “ăn nên làm ra” với con cá tra, cá ba sa đã đi qua. Chúng tôi không hiểu nguyên nhân sâu xa nhưng thương lái không chịu thu mua. Cá không bán được đành mang ra chợ nhưng chẳng được bao nhiêu. Liên tục mấy năm liền, dân nuôi cá bè điêu đứng, nhiều người phải bỏ bè cá tìm hướng khác mưu sinh. Riêng tôi cũng mất hơn 700 triệu đồng sau thời kỳ khủng hoảng đó”.
Dân làng bè vẫn quyết trụ với nghề
Đi qua khó khăn, những tín hiệu tích cực cho con cá tra, cá ba sa trên thị trường đã bắt đầu nhen nhóm lại hy vọng của những hộ dân làng bè. Họ vẫn nặng tình với loài cá da trơn này và ông Công lại bắt đầu gầy dựng lại “bổn nghệ” của mình. Ngoài cá ba sa, ông Công đầu tư thêm bè cá chim bởi nhu cầu thị trường nội địa về loài cá này khá ổn định. Bình quân, sau mỗi đợt cất cá chim, ông Công thu lợi vài chục triệu đồng. “Nếu bỏ chi phí đầu tư, mỗi năm tôi kiếm được gần trăm triệu đồng cũng nhờ con cá ba sa và cá chim. Giá cá tra, cá ba sa hiện nay ở ngưỡng 16.000 – 18.000 đồng/kg nên dân làng bè còn có thể kiếm được đồng lời. Tuy nhiên, điều mong mỏi nhất của chúng tôi chính là con cá tra, cá ba sa có chỗ đứng ổn định trên thị trường để làng bè không rơi vào cảnh hiu hắt của những năm về trước”.
Sông Châu Đốc vẫn nên thơ bên cạnh cái ồn ào, náo nhiệt của một đô thị trẻ. Làng bè cá vẫn là nét chấm phá xinh đẹp trong mắt du khách khi đến với Châu Đốc và người dân nơi đây vẫn tiếp tục với nghề đã giúp họ “ăn nên làm ra” hai mươi năm trước. Những người như ông Hiền, ông Công vẫn đang hướng đến tương lai với niềm tin vững chắc vào con cá tra, cá ba sa. Niềm tin đó sẽ giúp cho làng bè nối dài truyền thống, để loài cá đặc sản này tiếp tục là thế mạnh kinh tế của tỉnh.