Ở đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào nuôi tôm càng xanh (TCX) luân canh ở ruộng lúa. Thời gian qua, nghề nuôi TCX phổ biến với hình thức nuôi kết hợp ruộng lúa, nuôi tôm trong mương vườn cây ăn trái, nuôi ao và đăng quầng. Năng suất tôm thường đạt 100-300kg/héc-ta đối với mô hình lúa-tôm xen canh ruộng lúa, 500-1.200kg/héc-ta đối với mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa luân canh hay ao đất và 1,2-1,5 tấn/héc-ta/vụ với mô hình nuôi đăng quầng. Diện tích nuôi liên tục tăng từ 5,5 héc-ta năm 2000 lên 650 héc-ta năm 2007. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, diện tích nuôi TCX trong ruộng lúa luân canh sụt giảm chỉ còn khoảng 390 héc-ta, do thiếu con giống cả về số lượng và nhất là chất lượng con giống không cao đã, ảnh hưởng năng suất. Vì lẽ đó, thời gian qua, có khá nhiều hộ nuôi tôm không còn thiết tha với mô hình này, dù từng làm nên những “tỷ phú nuôi TCX”. Tại xã Phú Thuận (Thoại Sơn), có hơn 100 hộ nuôi với diện tích tăng lên vài trăm héc-ta, nay chỉ còn 60 hộ duy trì mô hình nhưng còn nhiều yếu tố không thuận lợi về năng suất, lợi nhuận… chưa thể hiện đúng tiềm năng trong vùng.
Từ thực tế trên, nhằm nâng cao năng suất lợi nhuận cho người dân, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ kinh phí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ, Trung tâm Giống thủy sản An Giang thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nâng cao năng suất và lợi nhuận tại huyện Thoại Sơn”, do Thạc sĩ Trần Văn Hận làm chủ nhiệm, Khoa Thủy sản-Trường đại học Cần Thơ chủ trì. Thời gian thực hiện từ tháng 4-2012 đến tháng 3-2013. Tổng kinh phí thực hiện 1,041 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ 630 triệu đồng. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng, vận hành mô hình nuôi TCX trong ruộng lúa với năng suất trên 1.000kg/héc-ta; lợi nhuận mang lại từ mô hình sản xuất trong ruộng lúa trên 100 triệu đồng/héc-ta/năm (giá 150.000 đồng/kg) góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cuộc sống cho người dân nông thôn An Giang.
Thạc sĩ Trần Văn Hận cho biết: Sau 9 tháng thực hiện, đã khảo sát chọn địa điểm thực hiện hai mô hình tại 6 hộ dân nuôi tôm xã Phú Thuận (Thoại Sơn). Nuôi tôm truyền thống có cải tiến luân canh trên ruộng lúa: 1 vụ lúa + 1 vụ tôm, mật độ thả 15 con/m2 (thời gian 6 tháng); thực nghiệm ương nuôi tôm trong 3 ruộng lúa (1 héc-ta/ruộng). Mô hình mới hoàn toàn, nuôi thâm canh trong ao kết hợp ruộng nuôi luân canh thương phẩm, với 1 vụ lúa + 1 vụ tôm, mật độ thả 4 con/m2; nuôi ao 3 tháng, tuyển chọn tôm đực thả trên ruộng lúa 3 tháng. Có 3 hộ tham gia thực nghiệm nuôi trên diện tích 3 héc-ta. Tổ chức hai lớp tập huấn kỹ thuật nuôi TCX trong ruộng lúa, đáp ứng được nhu cầu về kiến thức kỹ thuật cho người tham gia xây dựng mô hình trong ruộng lúa. Trong quá trình thực nghiệm, các yếu tố thủy lý hóa môi trường nước ruộng nuôi tôm đều nằm trong khoảng thích hợp cho tôm nuôi tăng trưởng và phát triển. Có sự phân tầng hàm lượng oxy trong ao ruộng nuôi. Sau chu kỳ nuôi 6 tháng, tăng trưởng của tôm nuôi dao động từ 50,5- 73,8 gram/con, trọng lượng tôm nhỏ nhất 20gram/con, lớn nhất 142gram/con. Tỷ lệ tôm sống trong các ruộng nuôi dao động từ 30- 36%, năng suất tôm nuôi đạt từ 1.340-1.633 tấn/vụ. Trong 6 hộ tham gia xây dựng mô hình đều có lợi nhuận cao: Mô hình 1 đạt từ 79,2-110,7 triệu đồng/héc-ta/năm, mô hình 2 đạt từ 102,2-135,7 triệu đồng/héc-ta/năm. Trong hai mô hình thử nghiệm, mô hình 2 mang lợi nhuận cao hơn.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh cho biết: Kết quả thực nghiệm cho thấy, mô hình 2 là mô hình hoàn toàn phù hợp và có hiệu quả cao có thể nhân rộng ra toàn vùng ứng dụng, trong đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện nuôi tôm ở Phú Thuận, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm xuất khẩu ở An Giang.