Sáng dưới nước, chiều dưới nước. Mỗi ngày người lao động mất ít nhất 6 giờ đồng hồ ngâm mình men theo các đoạn kênh, rạch để săn trùn chỉ, loại thức ăn khoái khẩu dành cho loài cá bột cũng như cá kiểng.
Con rạch Xẻo Tre thuộc xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang được xem là nơi cứu cánh của bao người dân nghèo không nghề nghiệp, bởi nơi đây tích tụ loại trùn chỉ, loại thủy sinh được sinh sôi từ các đáy ao, hầm cá.
Theo ông Trần Văn Thắng, người săn trùn chỉ hằng ngày ở đoạn kênh này cho biết: Để bắt được trùn chỉ không phải dễ, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cho thấy muốn tìm được “sản vật” ông phải thăm dò kỹ lưỡng nơi nào có trùn, nơi nào không có trùn sau đó mới trầm mình dưới nước bắt đầu cuộc mưu sinh.
“Mình làm thường ngày, bữa nay mình làm khúc này mai mình làm khúc kia nhưng mà bữa ít, bữa nhiều thì mình cũng bước xuống thăm dò bốc cục sình lên coi có nhiều hay không, có nhiều hay ít, khúc nào nhiều thì mình làm, khúc nào ít thì mình đi chỗ khác mình kiếm khúc khác mình làm. Nước nhiều thì mình làm mau đầy thau lắm mà trùn cũng nhiều nửa”, ông Thắng nói.
Loại trùn chỉ này thường sống ở những vùng nước chảy chậm, đầm lầy, ao, hồ. Trùn chỉ có nhiều bởi chất cặn bã dưới đáy ao sau khi được người nuôi cá bơm thải ra sau đó chúng sinh sôi nảy nở ở các kênh rạch.
Vào thời điểm tháng 2 đến tháng 11 âm lịch nhiều người làm nghề ở Phú Tân ra quân rầm rộ để khai thác sản lượng trùn chỉ, các tháng còn lại, do lượng khách mua trùn chỉ chủ yếu để nuôi cá kiểng, nhu cầu thấp nên số lượng người đi săn cũng ít hơn.
“Làm bửa vậy mười mấy hai chục ký cũng sống được hằng ngày từ từ giá cả lên cao mình làm cũng có thu hoạch. Sáng đi ngâm nước, chiều đi ngâm nước…Ở không thì mình đi làm hoài vậy đó. Một buổi vậy thì 3 đến 4 tiếng đồng hồ không chừng. Mình là người lao động thì chuyện ngâm nước thì cực khổ rồi đó nhưng mà làm có được vài trăm ngàn thì mình thấy cũng xứng đáng với đồng tiền mình làm...", ông Thắng trãi lòng.
Theo ông Thắng, trước đây khoảng nửa tháng mỗi một người một buổi bắt 6 đến 10kg trùn chỉ. Hằng ngày có hơn chục người bắt trùn chỉ dưới kênh Xẻo Tre.
Trùn chỉ sau khi đưa lên bờ thường được cho vào thau ngâm nước, đậy ủ từ 1 đến 2 giờ để đãi bớt bùn đất. Trùn nổi lên cũng là thời điểm để các thợ săn bắt đầu cân cho thương lái. Trùn chỉ được chuyển sang hồ nước sạch chạy oxy đến khi hết bùn chủ vựa vớt ra để vào bao nước đá rồi xuất bán đi nơi khác.
Mỗi kg trùn chỉ chủ vựa thu mua vô giá từ 65.000 đồng đến 85.000 đồng tùy thời điểm. Ông Lư Ngọc Ấm ở kênh Cồn Nhỏ ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân (An Giang) cho biết, trước đây có lần ông bắt hơn 40kg trùn chỉ mỗi ngày.
Nay vì sức khỏe, ông Ấm đã bỏ nghề và chuyển sang thu mua trùn chỉ để tiêu thụ ở các nơi ngoài tỉnh, mỗi ngày cũng kiếm được bộn tiền.
”Thương lái bán lẻ người mua 20 ký, người thì mua 30 ký, gửi nhiều mối. Mối bán trùn chỉ từ xưa tới giờ tui vẫn duy trì quanh năm, nhiều khi tui gom trùn bên tỉnh Đồng Tháp 60.000 đồng nhưng về cũng gửi lại cho người ta 65.000 đồng. Nghề bắt trùn chỉ này tôi cũng yêu thích lắm chứ, nhưng lớn tuổi rồi đi bắt không nổi nửa nên để cho con cháu nối nghiệp có việc làm”, ông Ấm thổ lộ.
Săn trùn chỉ tuy là nghề hạ bạc nhưng lại ăn nên làm ra. Đối với những hộ nghèo không đất sản xuất lao vào nghề dần dần cũng trở thành thợ săn trùn chỉ chuyên nghiệp.