Toàn tỉnh hiện có gần 6 ngàn tàu cá, trong đó khoảng 3 ngàn tàu, đánh bắt xa bờ. Việc bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chức năng và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN).
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tại vùng biển BR-VT, năm 2017 đã xảy ra 16 cơn bão, 16 đợt áp thấp nhiệt đới, 23 đợt thời thiết nguy hiểm trên biển, 12 đợt giông lốc, 12 đợt triều cường cao. Trong đó, hoàn lưu bão số 12, 14 ảnh hưởng đến khu vực đất liền của BR-VT gây mưa lớn. Đặc biệt, áp thấp nhiệt đới 15 và bão số 16 ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Côn Đảo. Thời tiết xấu đã gây ra 197 vụ tai nạn trên biển làm 68 người chết, 68 người mất tích, 41 người bị thương, 42 phương tiện bị chìm, 20 phương tiện bị hỏng máy. Các lực lượng tham gia công tác cứu nạn đã phối hợp với ngư dân kịp thời cứu hộ thành công 48 vụ, cứu sống 247 người…
Thượng tá Phạm Văn Tám, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết, qua công tác kiểm tra thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh có công suất nhỏ, cũ kỹ, khả năng chịu đựng sự tác động của sóng gió rất yếu, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động đánh bắt hải sản trong mùa mưa bão. Trong khi đó, khí hậu trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi năm có rất nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện, đôi khi không theo quy luật, rất khó dự báo. Nhiều ngư dân còn chủ quan, thậm chí ra khơi ngay khi có áp thấp nhiệt đới. Khả năng tiếp cận và xử lý thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới của nhiều thuyền trưởng còn hạn chế. Đối với các tàu đánh bắt xa bờ, mặc dù việc trang bị các thiết bị bảo đảm an toàn trên tàu cá được các cơ quan chức năng bắt buộc trong mỗi chuyến ra khơi, tuy nhiên không phải ngư dân nào cũng ý thức được tầm quan trọng của nó, một số tàu chỉ trang bị để đối phó với cơ quan chức năng.
Nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ trong mùa mưa bão năm 2018, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, các ban, ngành chức năng của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các bước kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật tàu cá tại các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; tổ chức kiểm tra các điểm xung yếu, sắp xếp vị trí neo đậu cho các tàu thuyền ở các cửa biển như Bến Đình, Bến Đá, Lộc An… khi có bão; tổ chức tốt hoạt động của Trạm thông tin liên lạc bờ và trực ban phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn để hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão, cập nhật và xử lý thông tin phòng chống lụt bão kịp thời.
Ngoài ra, thời gian qua, ngành thủy sản tỉnh cũng vận động ngư dân đóng tàu bằng vật liệu mới, lắp máy mới, không sử dụng tàu cá quá cũ (trên 15 tuổi), sử dụng máy cũ hoạt động khai thác tại các vùng biển xa để tăng khả năng chống chọi khi gặp điều kiện thơi tiết khó khăn; thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi có sự cố trên biển.
Là địa phương có đội tàu đánh bắt hải sản lớn, với khoảng 1.000 tàu cá đang hoạt động, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2018, TP.Vũng Tàu đã chủ động phối hợp với các Đồn Biên phòng tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân những văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCTT-TKCN trên biển; rà soát, thống kê tàu cá của từng tổ khai thác về số đăng ký, tên chủ tàu, nghề, địa chỉ, loại máy liên lạc, số điện thoại nhóm cộng đồng thường xuyên liên lạc, dự kiến vùng hoạt động trên biển của từng tàu cá theo mùa vụ; hướng dẫn chủ phương tiện tàu cá trang bị các thiết bị an toàn hàng hải, các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… trước khi ra khơi đánh bắt.
Thượng tá Phạm Văn Tám cho biết thêm, cùng với công tác phối hợp tuyên truyền cho ngư dân thì lực lượng Biên phòng tỉnh cũng sẽ siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền trước khi xuất bến. Với những tàu không bảo đảm đủ trang thiết bị cứu hộ, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn, yêu cầu bổ sung đầy đủ theo quy định của pháp luật mới được ra khơi.
Bộ NN-PTNT vừa có công văn số 2664/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị chỉ đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá và các cơ quan có liên quan cần nhanh chóng tổ chức rà soát, kiểm tra tại các cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, bảo đảm đủ điều kiện an toàn cho người, tàu cá vào xếp dỡ hàng hóa và neo đậu trú bão. Đối với cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá do luồng lạch bị bồi lắng, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp không bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thì cần khẩn trương sửa chữa, nạo vét, khắc phục; xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi có bão xảy ra.