Trong khối EU, Anh đang là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 36% tổng XK tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 6,8% tổng XK tôm Việt Nam đi tất cả các thị trường. Năm 2017, XK tôm Việt Nam sang Anh đạt 210,6 triệu USD, tăng 55,5% so với năm 2016. Lũy kế tới 15/11/2018, XK tôm Việt Nam sang Anh đạt 212,1 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ năm 2014 đến nay, Anh luôn ở vị trí thứ 1 và 2 về NK tôm của Việt Nam. Từ 2014 đến 2017, XK tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục từ 114,6 triệu USD năm 2014 lên 210,6 triệu USD năm 2017, tăng gần 84%. Tính tới 15/11 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Anh đã đạt 212,1 triệu USD, cao hơn giá trị XK tôm Việt Nam sang Anh của cả năm 2017 (212,1 triệu USD).
Trong 10 tháng đầu năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Anh giảm trong tháng 5 và tháng 10 nên mặc dù vẫn tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng trưởng không cao như năm ngoái.
Chín tháng đầu năm nay, NK tôm của Anh đạt 588,8 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Anh, chiếm 26,3% tổng giá trị NK tôm của Anh. Ấn Độ đứng thứ hai chiếm 15,5%. Trong số các nguồn cung tôm chính cho thị trường này, NK tôm của Anh từ Việt Nam, Đan Mạch, Iceland tăng lần lượt 36%, 17%, 32% trong khi NK từ Ấn Độ, Canada, Bangladesh giảm lần lượt 15%, 13%, 42%.
Có thể nói, Anh là một thị trường đáng lưu tâm của DN XK tôm Việt Nam trong khối EU vì DN XK sang thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong XK sang EU. Mặt hàng tôm chế biến xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường Anh đang có lợi thế cao hơn về giá bán và chất lượng so với hàng của Ấn Độ, Bangladesh.
Vì Anh là một thị trường với nhiều cạnh tranh từ các nguồn cung đối thủ nên DN cần hiểu biết rõ về thị trường để đưa ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ở đây. Để thành công trên thị trường Anh, DN cần cung cấp sản phẩm có giá tốt, khả năng đáp ứng nguồn hàng đều đặn và khả năng cải tiến phát triển sản phẩm để bắt kịp thị hiếu của người dân.