Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác công tư (Public-Private Partnership - PPP) trong khu vực, Nhóm công tác Nghề cá ASEAN (ASWGFi) và Liên đoàn Thủy sản ASEAN (ASF) đã tổ chức buổi tọa đàm giữa các cơ quan chính phủ và các hiệp hội DN thủy sản các nước ASEAN vào ngày 6-7/12/2012 tại Băng Cốc, Thái Lan.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thống nhất thành lập một nhóm công tác đặc trách thúc đẩy hợp tác giữa hai khối công tư, hướng đến giải quyết những vấn đề chung của ngành thủy sản trong khu vực.
Ngày 27-28/3/2013, Nhóm Đặc trách không chính thức (Taskforce) đã nhóm họp tại Bali, Inđônêxia để thông qua các điều khoản tham chiếu (TOR) và các nhiệm vụ cấp bách cần tập trung thực hiện từ nay đến năm 2015 và các giai đoạn sau, bao gồm quản lý dịch bệnh, hợp nhất các tiêu chuẩn quốc gia về tôm, tăng cường chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn, đối phó với các rào cản thương mại.
Quản lý dịch bệnh
Dịch bệnh là 1 trong 3 vấn đề nổi cộm nhất trong ngành NTTS ASEAN. Theo ước tính của TS Chadag Mohan, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Hội đồng Quản lý Mạng lưới các Trung tâm NTTS châu Á - Thái Bình Dương (NACA), dịch bệnh gây tổn thất khoảng 6 tỷ USD mỗi năm cho ngành NTTS các nước trên thế giới. Điều đáng báo động là những loại bệnh dễ lây lan như hội chứng lở loét trên cá (EUS) và bệnh đốm trắng (WSD) trên tôm ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài ra, một số loại bệnh nguy hiểm không rõ nguyên nhân cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn, đáng lo ngại nhất là hội chứng hoại tử gan tụy cấp hay hội chứng tôm chết sớm (EMS/AHPNS) trên tôm nuôi nước lợ. Mặc dù các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn và các tổ chức quốc tế đều đã vào cuộc nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cũng như cách thức đối phó với EMS.
Theo TS Lê Thanh Lựu, Hội Nghề cá Việt Nam, EMS đang là mối quan tâm chung của nhiều nước ASEAN, bởi phạm vi ảnh hưởng của nó. Do đó, nhiệm vụ của nhóm đặc trách trước hết là tập trung tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị hội chứng EMS.
“Ở châu Á, bệnh NTTS có nhiều loại, không phải nước nào cũng giống nhau. Vì thế, nếu ôm đồm quá, chúng ta sẽ khó đạt được kết quả mong muốn” - TS Lê Thanh Lựu nhận xét.
Theo ông, Nhóm đặc trách nên phối hợp với NACA – tổ chức đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu và phòng chống EMS – để tìm cách kiểm soát hội chứng này trong toàn chuỗi sản xuất tôm. Bước đầu tiên có thể là kết hợp với NACA để thu thập và phổ biến các thông tin về diễn biến dịch bệnh, cách phòng ngừa….
Trong khi chưa tìm được nguyên nhân và cách chữa trị triệt để, cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi áp dụng Quản lý thực hành NTTS tốt nhất (BMP).
“Nếu nhìn lại những năm gần đây, có thể thấy các bệnh virut thường gây thiệt hại rất lớn cho ngành NTTS. Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa tìm ra cách để điều trị các bệnh này. Vì thế, một giải pháp hữu hiệu hiện nay là tuân thủ BMP” – một đại biểu nhận xét. Thách thức là làm sao khuyến khích người nuôi quy mô nhỏ thực hành BMP. Vì thế, nhiều đại biểu đề xuất Nhóm đặc trách nên tổ chức họ thành tổ hoặc nhóm để đào tạo, hướng dẫn triển khai BMP.
Một điểm được nhiều đại biểu lưu ý là các nước thành viên ASEAN không nên lấy lý do bệnh dịch để hạn chế NK từ các nước khác trong khối.
Tiêu chuẩn chung cho tôm
Các nước ASEAN cung ứng 80% sản lượng tôm của thế giới và trao đổi thủy sản nội khối chiếm tỷ lệ ngày càng tăng. Đặc biệt, với mục tiêu trở thành một cộng đồng kinh tế ASEAN từ nay đến năm 2015, việc thống nhất các tiêu chuẩn quốc gia thành một tiêu chuẩn chung cho cả khối là vô cùng quan trọng.
“Nếu nói chuyện với các nhà bán lẻ ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Đại Dương, họ sẽ chỉ cho bạn vô số tiêu chuẩn hiện hành mà bạn phải tuân thủ cũng như vô số các loại tem, nhãn, biểu tượng gắn trên bao bì sản phẩm. Quá tệ phải không? Thế nhưng nếu nhìn vào các tiêu chuẩn quốc gia về NTTS nội trong khối ASEAN thì còn ‘loạn’ hơn” – một đại biểu nhận xét.
Tuy nhiên, đại biểu này cũng cho biết các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ phải sử dụng những tiêu chuẩn này vì không còn lựa chọn nào khác. Nếu có một hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận chung cho ASEAN, họ sẽ đi theo hệ thống ấy.
Theo đại diện của Cục Nghề cá Thái Lan, Liên minh Tôm ASEAN (ASEAN Shrimp Alliance) đã bắt tay xây dựng tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN. Một đại biểu khác cho biết tổ chức AUS-AID của Ôxtralia đang khởi động một dự án nhằm hỗ trợ ngành thủy sản ASEAN hài hòa các tiêu chuẩn riêng lẻ.
Do đó, trước khi quyết định những hoạt động tiếp theo để hài hòa các tiêu chuẩn quốc gia, trước hết là cho tôm, nhóm đặc trách sẽ phải rà soát lại xem những công việc nào đã hoàn thành. Để đẩy nhanh tiến độ, đại diện của mỗi nước thành viên sẽ tập hợp và chuyển lại bộ tiêu chuẩn của nước mình cho nhóm đặc trách rà soát, phân tích và làm căn cứ để soạn thảo một tiêu chuẩn chung về tôm cho ASEAN.
Vụ kiện chống trợ cấp tôm của Mỹ
Đối phó với rào cản thương mại, mà cụ thể là vụ kiện chống trợ cấp tôm của Mỹ, không phải là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu của Nhóm đặc trách. Lý do là chỉ có 4 nước trong khu vực là Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan và Việt Nam bị ảnh hưởng, mà Malaixia lại không có đại diện tham dự buổi góp ý. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề được đề cập đến nhiều nhất trong cuộc họp riêng của Liên đoàn Thủy sản ASEAN (ASF) chiều ngày 27/3.
Tại đây, tất cả các thành viên của Liên đoàn đều đồng tình đánh giá việc Mỹ tìm cách áp thuế chống bán phá giá với tôm của 7 nước, trong đó có 4 nước ASEAN là bất công, vô lý.
“Ngành tôm nội địa Mỹ chỉ đáp ứng được 10% sản lượng [mà nước này tiêu thụ], lại hoàn toàn từ khai thác chứ không phải nuôi. Tôm khai thác ở Mỹ và tôm nuôi ở các nước ASEAN là hai loại khác hẳn nhau. Hơn nữa, tôm khai thác ở Mỹ thường được bán dưới dạng tươi sống trong khi đa phần tôm NK bán dưới dạng đông lạnh” – PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.
Theo ông Thomas Darmawan, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Tiếp thị Sản phẩm Thủy sản Inđônêxi (AP5I), cách mà Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ tiến hành khởi kiện cũng thiếu ngay thẳng và trung thực. “Đơn kiện được ký vào ngày 28/12/2012, đúng đợt nghỉ tết Dương lịch. Lúc ấy thì mấy ai kiểm tra thư hay đọc tin tức. Trong khi đó, thời hạn phải trả lời bảng hỏi dài tới 36 trang của họ là ngày 11/1/2013. Ở đây có cái gì đó thật trơ tráo, thô bỉ” – ông Darmawan nhận định.
Theo đề xuất của TS Dũng, các thành viên Liên đoàn thống nhất sẽ cùng nhau giữ một lập trường chung và phối hợp với chính phủ để đối phó vụ kiện chống trợ cấp.
Họ sẽ cùng ký vào thông điệp chung gửi đến các chính phủ bày tỏ những quan ngại về vụ kiện và sát cánh cùng chính phủ để theo đuổi vụ kiện. Nếu tình hình không khả quan hơn, họ sẽ yêu cầu chính phủ của nước họ phối hợp với nhau để khởi kiện ra WTO.
Ngoài ra, các thành viên cũng sẽ chủ động và tích cực tìm những đồng minh trong và ngoài nước để góp vào tiếng nói chung.
Các đại biểu thống nhất thành lập một nhóm chủ chốt gồm đại diện ba nước Inđônêxia, Thái Lan và Việt Nam để thường xuyên trao đổi thông tin và nắm tình hình vụ kiện.
Dự kiến, Nhóm đặc trách sẽ nhóm họp lần thứ hai vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2013 sau khi có thư gửi các nước ASEAN đề nghị cử ra đại diện từ chính phủ và khu vực tư chính thức tham gia làm thành viên nhóm.