Mặc dù được đánh giá là nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao hơn trong năm 2018 này, tuy nhiên, xu thế các thị trường nhập khẩu thuỷ sản sẽ nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có truy suất nguồn gốc và áp dụng quy trình nuôi sạch là nhận định chung của các chuyên gia trong ngành.
Rào cản từ các thị trường
Đặc biệt là với thị trường “quán quân” của thuỷ sản Việt, xuất khẩu thuỷ sản sang EU đang phải đối măt với hàng loạt những trở ngại thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật. Gần đây nhất và cũng là quyết định nặng nhất là từ thị trường này là rút “thẻ vàng” đối với thuỷ Sản khai thác Việt Nam, quy định kiểm tra gắt gao truy xuất nguồn gốc đối với hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam chưa biết đến khi nào mới được gỡ bỏ.
Bên cạnh đó, thị trường “Á quân” là Mỹ cũng áp dụng Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.
Kỳ vọng “mùa tôm”
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu trong lĩnh vực này năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng, ước đạt trên 8,5 tỷ USD, tương đương mức tăng khoảng 3% so với năm ngoái. Trong đó, tôm được xác định sẽ tiếp tục là sản phẩm chủ lực của thuỷ sản Việt.
Trước đó, năm 2017 chứng kiến một năm “được mùa” của tôm, với vị trí số một về giá trị xuất khẩu, ước đạt 3,8 tỷ USD, gần bằng mức kỷ lục hơn 3,9 tỷ USD của năm 2014.
Theo đánh giá của VASEP, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.
Đặc biệt, ông Hoè đánh giá, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.
Bên cạnh thị trường EU, Trung Quốc cũng được dự đoán là sẽ “vượt mặt” Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt trong năm 2018.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1/12/2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa Tết Âm lịch sắp tới.
Cũng trong năm qua, Bạc Liêu được Chính phủ xác định xây dựng thành “thủ phủ” ngành tôm với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Sang năm 2018, tôm sẽ tiếp tục được phát triển tại vùng tiềm năng này. “Cùng với đó, đẩy mạnh công nghệ cao, phát triển nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ vừa tăng năng suất vừa tăng chất lượng tôm” ông Nguyễn Ngọc Oai - Tổng cục trưởngTổng Cục Thủy sản cho biết.