Chế biến hải sản là thủ phạm chính
Viện Môi trường và Tài nguyên cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên sông Chà Và đó là: Tình trạng xả thải từ cụm công nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu), việc nuôi trồng thủy sản trên sông và nạn khai thác cát bừa bãi ở khu vực hạ lưu sông Chà Và.
Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, để đánh giá đầy đủ hơn về phạm vi ô nhiễm lưu vực sông Chà Và, Viện Môi trường và Tài nguyên đã đo đạc, khảo sát và lấy mẫu vào 2 thời điểm. Đợt 1 (ngày 23 và 24-1) với 11 vị trí lấy mẫu cố định và đo liên tục hàm lượng oxy hòa tan (DO) dọc sông cho thấy chất lượng nước sông Chà Và - sông Rạng tương đối tốt; chỉ có tuyến Rạch Ván và đoạn đầu sông Chà Và bị ô nhiễm nhẹ do ảnh hưởng của việc xả thải từ khu chế biến hải sản Tân Hải (huyện Tân Thành) qua cống số 6. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, nhiều doanh nghiệp ở khu chế biến hải sản Tân Hải đang tạm ngưng sản xuất để khắc phục ô nhiễm môi trường và chỉ có điểm khai thác cát đang hoạt động ở hạ lưu sông Chà Và nên chất lượng nước sông ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xả thải công nghiệp và khai thác cát. Đợt 2 (ngày 13-5), Viện Môi trường và Tài nguyên đã lấy mẫu tại 10 vị trí, cho thấy chất lượng nước sông Chà Và đoạn tiếp nhận nước thải từ sông Rạch Ván đổ ra bị ô nhiễm khá nặng do ảnh hưởng của việc xả thải từ khu chế biến hải sản Tân Hải qua cống số 6. Các thông số oxy hòa tan, chất hữu cơ, dinh dưỡng thu được trên sông Chà Và đều không đạt hoặc vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Phước cho biết, ngoài hai tác động lớn là việc xả thải của các doanh nghiệp chế biến hải sản và khai thác cát trái phép, sông Chà Và còn chịu tác động từ các yếu tố nội sinh từ việc nuôi trồng hải sản trên sông. Theo phân tích của Viện Môi trường và Tài nguyên thì các lồng bè nuôi trồng hải sản trên sông có mật độ quá dày; việc vệ sinh, xịt rửa lưới bao định kỳ từ bè này sang bè khác làm ảnh hưởng đến các bè xung quanh; sử dụng nguồn thức ăn là cá tạp bị ươn thối, dễ phân hủy gây ô nhiễm và lắng đọng bên dưới bè; không kiểm soát được nguồn giống và dịch bệnh… làm cho sông Chà Và bị ô nhiễm.
Phải “mạnh tay” để phát triển bền vững
Tính đến cuối tháng 10-2012, tại khu vực hạ nguồn sông Chà Và tiếp giáp với vịnh Gành Rái vẫn có 3 doanh nghiệp đang khai thác cát nhiễm mặn với số lượng lớn. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây xáo trộn môi trường nước tự nhiên trên sông Chà Và. Thông tin từ các ngành chức năng cho biết, số lượng cát khai thác của các đơn vị ở khu vực này những năm trước lên tới gần 2 triệu m3/năm. Theo ý kiến của các chuyên gia, số lượng cát khai thác này quá mức cho phép tại một khu vực cửa sông, không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường nước mà còn gây nên tình trạng xói mòn lòng sông, sạt lở ven bờ trong tương lai. Do đó, từ cuối tháng 5-2013, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hủy bỏ việc quy hoạch khai thác cát nhiễm mặn tại khu vực vịnh Gành Rái; đồng thời giao Sở Giao thông - Vận tải xử lý nghiêm các hành vi khai thác nạo vét cát trái phép làm mất an toàn giao thông đường thủy trên sông Chà Và.
Ngoài việc hủy quy hoạch khai thác cát, trong 22 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải đã có 10 cơ sở bị UBND tỉnh tạm đình chỉ do vi phạm về môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước trên sông Chà Và. Tuy vậy mức độ ô nhiễm tại xã Tân Hải do các cơ sở chế biến hải sản gây ra vẫn chưa giảm. Mùi hôi thối của nước thải làm ô nhiễm không khí khu vực Long Sơn và ảnh hưởng đến cả TP. Bà Rịa. Phía sau các nhà máy chế biến hải sản là hồ chứa xả thải rất hôi thối. Cây cối xung quanh rạch dẫn nước từ hồ đổ ra sông Chà Và đều chết trụi, trơ gốc…
Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để phát triển bền vững sông Chà Và, Sở Tài nguyên và Môi trường phải tổ chức thanh kiểm tra thường xuyên việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, thậm chí buộc những đơn vị vi phạm phải đóng cửa vĩnh viễn. Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường từ các nhà máy chế biến hải sản ở Tân Hải và khai thác cát, việc tìm giải pháp nuôi trồng hải sản thân thiện với môi trường cũng cần được triển khai nghiêm túc. Nếu không, về lâu dài sông Chà Và có thể sẽ trở thành dòng sông “chết”.
Hiện nay, trên lưu vực sông Chà Và có 119 hộ nuôi trồng hải sản với 3.059 lồng bè được phân bố trên 13,5 ha diện tích mặt nước. Tuy nhiên, phần lớn các lồng bè này đều nằm ngoài ranh giới các vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Mặt khác, các hộ nuôi không tuân thủ quy hoạch dẫn đến lấn chiếm luồng sông, cản trở sự lưu thông của tàu, thuyền và gây ô nhiễm sông Chà Và.