Năm 2019, theo số liệu thống kê của Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, mô hình nuôi lươn phát triển khá rộng khắp toàn tỉnh với số lượng giống nuôi khoảng trên 600.000 con, tập trung ở các huyện Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi. Đây là một lợi thế lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong điều kiện nội lực của người sản xuất còn yếu, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật của người nuôi còn nhiều hạn chế nên một số hộ gặp rủi ro, tỷ lệ sống thấp.
Thực hiện chủ trương cơ cấu Ngành Nông nghiệp, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu xây dựng chương trình nuôi lươn theo hướng thâm canh. Mục tiêu của chương trình xây dựng mô hình trình diễn nuôi lươn thâm canh tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật để nhân rộng mô hình cho nông dân trong vùng học tập. Mô hình trình diễn được triển khai vào tháng cuối tháng 10/2019 tại xã Châu Thới với quy mô 60m2 /10 hộ, mật độ thả 500 con/m2. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ 100% chi phí mua lươn giống, 30% chi phí mua các loại vật tư, bao gồm: thức ăn, men tiêu hóa, còn lại là đối ứng của các chủ hộ tham gia mô hình theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Lươn nuôi trong mô hình.
Hiện nay, lươn nuôi hơn 8 tháng và còn đang trong giai đoạn chăm sóc, quản lý, cỡ lươn trung bình đạt 6 - 8 con/kg. Năng suất, sản lượng lươn toàn điểm thực hiện ước đạt 4.687 kg/60m2 (78 kg/m2), tỉ lệ sống trung bình ước đạt 82,2%, tổng giá trị đạt 890.530.000 đồng, sau khi trừ chi phí lãi trung bình 446.930.000 đồng/60m2 (không tính phần vốn hỗ trợ của Nhà nước).
Qua đánh giá của những hộ thực hiện mô hình, nuôi lươn không khó, rất nhẹ công chăm sóc, tuy nhiên phải luôn theo dõi tình trạng của lươn để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, thường xuyên thay nước. Trong tháng đầu cho lươn ăn trùn quế trộn với thức ăn viên cỡ nhỏ, sau đó cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn viên, kích cỡ thức ăn theo từng giai đoạn và theo cỡ miệng của lươn. Nguồn nước sử dụng hoàn toàn bằng nước giếng khoan, mỗi ngày thay nước 2-3 lần sau khi cho ăn để nước hồ lươn luôn được sạch, thường xuyên phân loại cỡ lươn để hạn chế hao hụt, tăng trọng nhanh, tỷ lệ sống đạt trên 90% nếu chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn lươn giống khan hiếm, giá cao, chất lượng chưa đảm bảo từ đó chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu người nuôi.
Trước tình hình lươn giống khan hiếm, có 01 hộ thực hiện mô hình đã tiến hành lựa chọn đàn lươn trong mô hình để làm bố mẹ và tiến hành cho sinh sản nhân tạo. Đây là một trong những hướng phát triển mang tính hiệu quả, lâu dài.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn đây là mô hình nuôi có hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa vật nuôi, xóa đói giảm nghèo cần được khuyến cáo nhân rộng trong thời gian tới để nhiều người áp dụng làm theo và phát triển nghề nuôi lươn theo hướng có trách nhiệm, ổn định và bền vững.