Đây là mô hình khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau và là mô hình canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Mô hình tôm-lúa được đánh giá là hiệu quả và bền vững, ít rủi ro, ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, phù hợp với khả năng sản xuất của đa số các hộ nông dân trong vùng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế cho thấy, sau vụ nuôi tôm đất trở nên màu mỡ hơn, cây lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật so với vùng chuyên lúa nên cho lợi nhuận cao. Do sau mỗi vụ tôm chất mùn hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại, đất được canh tác qua mỗi vụ lúa thì thả tôm mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh hơn so với chỉ nuôi tôm không trồng lúa, do cây lúa điều hòa được môi trường, giảm tác nhân gây hại cho con tôm.
Vụ tôm thả giống từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 1,5 tháng, tổng mật độ thả tôm sú 3 - 5 con/m2. Các loại giống lúa sử dụng chủ yếu là OM 2517, OM 6677, OM 4900, AS 96, Một bụi đỏ, lúa lai BTE1, ... năng suất từ tôm sú trung bình 260 kg/ha, cỡ tôm thu hoạch dao động 25 - 30 con/kg, năng suất lúa trung bình 4,76 tấn/ha, chi phí sản xuất từ 40 triệu – 60 triệu đồng/ha, tổng thu từ 70 triệu – 100 triệu đồng/ha, lợi nhuận của mô hình khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha. Có nhiều hộ đạt hiệu quả rất cao như hộ anh Nguyễn Văn Hận, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân tổng thu từ mô hình lên đến 200 triệu/ha. Lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha.
Anh Lê Văn Chiều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lộc cho biết: Trong năm qua, 80% nông dân trên địa bàn xã thu được lợi nhuận khá cao từ mô hình này. Trên đà thành công, nông dân trên địa bàn rất "hồ hởi" cho vụ mùa mới.