Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 - 2020, Bạc Liêu sẽ tập trung nguồn lực và thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm nước lợ theo hình thức nuôi phổ biến hiện nay như: siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; quảng canh cải tiến kết hợp; tôm - lúa (có tôm càng xanh nuôi kết hợp với trồng lúa), tôm - rừng thông qua việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững cho các giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu sản lượng tôm đạt 186.800 tấn, tốc độ tăng bình quân 17,09%/năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 750 triệu USD.
Giai đoạn 2021 - 2025, ngành công nghiệp tôm công nghệ cao được đầu tư xây dựng và hình thành các vùng nuôi tôm có quy mô lớn; vùng nuôi tôm sinh thái, hữu cơ được áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm tôm nuôi dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Phấn đấu sản lượng tôm đạt 251.000 tấn, tốc độ tăng bình quân 6,09%/năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 970 triệu USD.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Bạc Liêu sẽ tập trung vào nhiều giải pháp. Trong đó, hoàn thành xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Xây dựng mô hình liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm (dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất, hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã) để tạo các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, giảm bớt các khâu trung gian. Nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp xã hội trong việc nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm. Kiểm tra, kiểm soát hệ thống sản xuất và phân phối con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ ngành tôm trên địa bàn tỉnh. Quan trắc môi trường và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm tập trung; giám sát chặt chẽ nguồn nước cấp, nước thải của cơ sở nuôi tôm, chế biến tôm. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung; thay thế dần sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; không sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất tôm. Nghiên cứu thực hiện thí điểm đánh số và cấp mã số nhận diện ao nuôi, vùng nuôi để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường nghiên cứu thông tin, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thị trường trong nước và trên thế giới, thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm, dung lượng thị trường, mức độ cạnh tranh với các nước cùng sản xuất và xuất khẩu tôm, qua đó làm cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các trung tâm giao dịch (sàn giao dịch và chợ bán đấu giá), các trung tâm ứng dụng công nghệ cao để giới thiệu, cung ứng vật tư (bao gồm cả tài chính, công nghệ), tiêu thụ sản phẩm tôm nhằm minh bạch hóa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp thị trực tiếp đến các hệ thống phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng… Đồng thời tập trung đầu tư khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế…
Thực hiện tốt những giải pháp trên, ngành tôm Bạc Liêu chắc chắn sẽ tạo nên những đột phá mới và đưa con tôm trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.