Trước những đại diện từ các chính phủ, giới chủ và người lao động, ILO phát biểu trong tuyên bố của mình rằng rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Covid–19, chúng ta nên khuyến khích những cải cách hướng đến xây dựng một ngành NTTS linh hoạt và bền vững nói riêng, bên cạnh các hệ thống sản xuất thực phẩm nói chung để nuôi sống hàng tỷ người. Ngoài ra, ngành này cũng cần thêm nhiều nguồn lực và sự cộng tác hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của những doanh nghiệp bền vững, và kiến tạo thêm công ăn việc làm tốt cho các lao động.
Ngành NTTS đang tạo ra đóng góp ngày càng quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo ở nhiều cộng đồng nông thôn còn vô vàn khó khăn. Đó là nguồn sinh kế và cung cấp thực phẩm chính cho rất nhiều lao động. Theo ước tính, ít nhất 20,5 triệu người đang trực tiếp làm công việc nuôi trồng và hàng triệu người khác tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất NTTS.
“Để đảm bảo sự tăng trưởng công bằng trong ngành NTTS và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm tốt cho cả đàn ông lẫn phụ nữ, chúng ta cần xây dựng một sân chơi bình đẳng – mang lại môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất bền vững và cũng để người lao động được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình tại nơi làm việc” – Giáo sư Magnús Magnússon Norɖdahl, chủ tọa hội thảo, phát biểu.
Cần xây dựng sân chơi bình đẳng giới trong ngành. Ảnh WomenInAquaculture
Trước áp lực từ sự gia tăng dân số và thực trạng ô nhiễm môi trường trên khắp thế giới, NTTS ngày càng được nhìn nhận là giải pháp bền vững tiềm năng giúp giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và dinh dưỡng đối với nhân loại. Tại nhiều nước đang phát triển, vai trò của ngành này cũng được đánh giá cao trong việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, kiến tạo công ăn việc làm và đa dạng hóa sinh kế, đặc biệt đối với người nghèo ở nông thôn. Để khai thác hết những tiềm năng của NTTS cho mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao trùm,… chúng ta cần tập trung giải quyết các thách thức liên quan đến lao động & việc làm mà ngành đang phải đối mặt.
Trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, người lao động, nhất là những ai làm việc tại khâu chế biến trong môi trường phòng kín và nhiệt độ thấp, thường có nguy cơ tiếp xúc với virus cao. Nhiều doanh nghiệp đã rất chật vật để tồn tại, phải cắt giảm giờ làm hoặc sa thải lao động – ảnh hưởng tới sinh kế của họ và gia đình. “Đại dịch khiến tình trạng thiết hụt công ăn việc làm tốt trong ngành càng thêm phần trầm trọng, nhưng một số khiếm khuyết thực chất đã tồn tại từ lâu, trước khi Covid bùng phát” – Krisjan Bragason, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề về công nhân tại ILO, nhận định. Vì vậy, “đối thoại xã hội, dựa trên sự tôn trọng quyền tự do hiệp hội và thừa nhận sức mạnh của công cụ thương lượng tập thể, chính là chìa khóa giúp tất cả những bên liên quan (stakeholder) tìm ra giải pháp” – ông nói.
Kết luận sau cùng tại hội thảo là các chính phủ, giới chủ và người lao động trong lĩnh vực NTTS cần phối hợp hiệu quả với nhau để khai thác hết tiềm năng của ngành vì mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, kiến tạo công ăn việc làm tốt và đầy đủ cho tất cả mọi người, rằng không ai bị bỏ lại phía sau.