Bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị Khoa học về Biển, Hà Nội, 6-8/6/1985 (tiếp theo)

Nước ta có đất liền và có biển. Cho nên, kinh tế đất liền và kinh tế biển đều là bộ phận hợp thành hữu cơ của nền kinh tế quốc dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ảnh VTC

II.  RA SỨC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI VÙNG BIỂN NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH

Đã đến lúc đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế và xã hội vùng biển ở nước ta một cách tương đối toàn diện. Đó là một chiến lược làm chủ biển Đông, làm chủ về chủ quyền và làm chủ tài nguyên các vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, và tiến tới tham gia cùng các nước khai thác đại dương theo luật pháp quốc tế.

Việc xây dựng chiến lược đó, trước hết, phải xuất phát từ đường lối chung của cách mạng XHCN và đường lối xây dựng nền kinh tế XHCN do Đảng ta đề ra, mà nội dung cơ bản là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học – kĩ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN…

Chiến lược đó phải xuất phát từ các mục tiêu kinh tế và xã hội, các phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng có liên quan đến biển mà các nghị quyết của Đại hội, của Trung ương đã nêu lên qua các thời kỳ.

Đồng thời chiến lược đó phải được xây dựng căn cứ vào đặc điểm điều kiện tự nhiên và xã hội của vùng biển, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và kĩ thuật của nước ta và trên thế giới.

Muốn thực hiện chiến lược làm chủ biển và tài nguyên biển, đòi hỏi chúng ta phải nắm vững các quy luật của biển, từ vùng ven biển, biển gần đến biển xa, từ khí quyển đến mặt nước cho đến đáy biển, trong lòng đáy biển, thềm lục địa cho đến đại dương.

Nước ta có đất liền và có biển. Cho nên, kinh tế đất liền và kinh tế biển đều là bộ phận hợp thành hữu cơ của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế đất liền và kinh tế biển có liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển trong một hệ thống chung có mục tiêu thống nhất của cả nước. Phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với kinh tế đất liền.

Muốn khai thác biển tốt phải có hậu phương vững chắc là đất liền, nơi cung cấp cho biển nguồn lao động, phương tiện kĩ thuật, nơi chế biến và tiêu thụ các sản phẩm của biển. Trên thực tế, mọi hoạt động sản xuất trên biển đều được tổ chức trên đất liền, gắn với cơ sở hạ tầng trên đất liền. Trình độ khai thác tài nguyên biển đựơc quyết định phần lớn bởi trình độ phát triển lực lượng sản xuất trên đất liền.

Sự phát triển của công nghiệp nặng, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo công cụ, sửa chữa phương tiện và sản xuất phụ tùng thay thế cho nghề biển có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế biển, đổi mới công nghệ và trang bị kĩ thuật hiện đại cho các ngành kinh tế biển, từng bước đưa nền kinh tế biển đi lên sản xuất lớn XHCN.

Trong Hội nghị này, nhiều đồng chí nêu ý kiến về sự liên quan giữa các vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, ven biển với biển là rất đúng. Mặt khác, kinh tế biển cũng là một hệ thống có cơ cấu bên trong của nó. Kinh tế biển cũng bao gồm trong nó một phần các hoạt động kinh tế trên đất liền, kinh tế ven biển, kinh tế trên đảo. Bởi vậy, cần phải xem xét và tiếp cận kinh tế biển một cách hệ thống. Kế hoạch phát triển chung về kinh tế và xã hội của cả nước phải có vị trí tương xứng của kinh tế biển.

Muốn tiến ra biển, khai thác và sử dụng biển và tài nguyên biển, muốn vươn ra đại dương, đòi hỏi phải có một tiềm lực nhất định – tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng, tiềm lực của nền đại công nghiệp cơ khí, của nền khoa học và kĩ thuật tiên tiến.

Tạo ra được một tiềm lực như vậy là trách nhiệm của cả nước, của mọi người, của các ngành, các cấp. Trong đó, kinh tế biển phải phát triển làm sao để góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN, thúc đẩy quá trình tái sản xuất mở rộng của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tăng thêm tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân của cả nước. Biển không chỉ nuôi biển mà phải còn là một địa bàn quan trọng để tạo ra lực lượng sản xuất mới, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội ở các vùng đồng bằng, trung du và miền núi, phát triển kinh tế của cả nước.

Muốn phát triển kinh tế biển, mở mang các ngành nghề trên biển, trước hết phải coi trọng việc xây dựng và phát triển vùng ven biển. Đây là bàn đạp, là căn cứ rất quan trọng để chúng ta tiến ra biển, làm chủ biển, khai thác và sử dụng tài nguyên biển.

Nước ta có vùng ven biển khá rộng, bao gồm 109 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố và đặc khu. Với 60 vạn hecta đất cát ven biển có thể phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, 40 vạn hecta bãi triều và đầm phá nước lợ có thể nuôi trồng hải sản, 30 vạn hecta rừng ngập mặn là hệ sinh thái điển hình có năng suất sinh học cao, nhiều vũng, vịnh, cửa biển có khả năng xây dựng các trung tâm công nghiệp biển…, vùng ven biển là vùng đất đặc biệt có sẵn những cơ sở tự nhiên, để mở rộng phân công lao động xã hội, mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế một cách đa dạng. Đây là vùng có tiềm năng kinh tế lớn, có thể xây dựng thành vùng giàu có của đất nước.

Phải nghiên cứu để xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý ở vùng ven biển. Việc tổ chức lại sản xuất ở đây phải trên quan điểm sử dụng tổng hợp tài nguyên biển, kết hợp chặt chẽ các hoạt động trên bờ, dưới nước theo một chu trình sản xuất khép kín từ khai thác đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp và sửa chữa phương tiện kĩ thuật, dịch vụ, thương nghiệp…

Phát triển kinh tế ven biển phải gắn liền với xây dựng cấp huyện. Lấy huyện làm địa bàn chính để tổ chức lại sản xuất, bố trí lại lực lượng sản xuất, tổ chức lại dân cư và lao động, xây dựng các mô hình sản xuất, mô hình kinh tế - xã hội nhằm kết hợp tối ưu lao động với tài nguyên và cơ sở vật chất – kĩ thuật để khai thác thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng. Xác định cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi hải sản, đặc sản. Phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp và công nghiệp như chế biến hải sản, nghề muối, nghề cói,…và các ngành phục vụ một cách thích hợp để giải quyết tốt vấn đề lao động, đặc biệt là lao động nữ. Hình thành từng bước các huyện ven biển có cơ cấu kinh tế ngư – nông – lâm – công nghiệp hợp lí.

Phải gắn liền sự phát triển kinh tế huyện với sự phát triển kinh tế công – nông nghiệp, công – ngư – nông – lâm nghiệp ở các tỉnh thành phố ven biển, với sự hình thành hệ thống cảng, các trung tâm công nghiệp khai thác biển, và sự phát triển các ngành kinh tế biển.

Cùng với kinh tế vùng ven biển, sự phát triển kinh tế ở các hải đảo có vị trí hết sức quan trọng. Nước ta có gần 300 hòn đảo, trong đó có nhiều đảo phân bố ở gần các ngư trường khai thác. Đó là những pháo đài, những căn cứ nổi, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ vùng biển của tổ quốc ta.

Trên từng vùng đảo có tiểu khí hậu đặc biệt, có thể nuôi, trồng những loại đặc sản quý. Hiện nay, trên một số đảo ở nước ta đã nuôi yến hàng, đồi mồi, nuôi khỉ…để xuất khẩu. Cuba đã khai thác Đảo Thông, trồng cây ăn quả xuất khẩu thu được nguồn ngoại tệ lớn. Một số hải đảo ở nước ta còn có khả năng xây dựng thành vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên kết hợp với kinh doanh du lịch.

Cần nghiên cứu quy hoạch xây dựng các đảo thành những căn cứ hậu cần, trung tâm chế biến, dịch vụ tại chỗ để phục vụ cho khai thác, thành những vị trí tiền tiêu để bảo vệ đất nước.

Kinh tế biển – với những hoạt động kinh tế diễn ra ở vùng ven bờ, trên hải đảo, ở ngoài biển và thềm lục địa – bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, thông tin liên lạc, dịch vụ, du lịch, thương mại,…Đó là một nền kinh tế tương đối toàn diện, có cơ cấu phức hợp, đa ngành.

Tính hợp lý của cơ cấu kinh tế biển là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả, nhịp độ phát triển và khả năng tái xuất mở rộng của nền kinh tế biển.

Cho nên, cần phải kết hợp chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên và khoa học kĩ thuật để nghiên cứu xây dựng một chính sách cơ cấu hợp lí cho sự phát triển toàn diện kinh tế và xã hội ở vùng biển, đảm bảo sự kết hợp hài hòa với chính sách cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Tính chất đa dạng của nền kinh tế biển cũng được phản ánh ngay trong Hội nghị này. Nhiều ngành đều thấy mình có liên quan đến biển. Qua ý kiến phát biểu, các ngành đã đề xuất nhiều ý kiến và ngành nào cũng muốn được đầu tư để phát triển cho tương xứng với vị trí, tiềm năng của biển.

Nhưng chúng ta đang từ sản xuất nhỏ đi lên, lại đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH, trình độ nền kinh tế của ta còn thấp. Trong lúc đó, sự phát triển kinh tế biển phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển chung của lực lượng sản xuất, mà trước hết là của nền đại công nghiệp cơ khí.

Vì vậy, trước mắt, chúng ta chưa có đủ điều kiện để làm ngay tất cả, mà phải xác định phương hướng trọng điểm, thứ tự ưu tiên, xác định bước đi thích hợp và chính sách đầu tư thích hợp cho từng thời kỳ. Phải kết hợp phát triển đồng bộ mọi quy mô nhỏ, vừa và lớn, với mọi trình độ từ thô sơ, thủ công đến nửa hiện đại, hết sức chú trọng quy mô vừa và nhỏ với trình độ hiện đại, nếu điều kiện cho phép có thể đi ngay vào hiện đại (như lĩnh vực dầu khí,…); lựa chọn kĩ thuật và công nghệ thích hợp, hình thức tổ chức phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, ngành với lãnh thổ,Nhà nước với nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển lực lượng sản xuất với củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất, gắn chặt kinh tế quốc doanh với kinh tế tập thể và kinh tế gia đình, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Trong mọi bước đi, phải luôn luôn kết hợp kinh tế với quốc phòng, kết hợp mục tiêu trước mắt với mục tiêu lâu dài, phát triển theo chiều rộng phải gắn liền với phát triển chiều sâu.

Phải giải quyết tốt sự phối hợp liên ngành trong việc điều tra, nghiện cứu, khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển, phát huy được sức mạnh tổng hợp để phát triển nền kinh tế biển, xây dựng vùng biển của nước ta trở thành vùng giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, có đời sống văn minh hạnh phúc.

Việc xác đinh phương hướng trọng điểm của nền kinh tế biển tại Hội nghị lần này cũng có nhiều ý kiến. Qua trao đổi thảo luận, chúng ta có thể sơ bộ thảo luận khái quát một số phương hướng trọng điểm theo thứ tự sau:

Trước hết, phải nói đến hải sản, là ngành có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho người và cho chăn nuôi, nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Ngành hải sản khai thác các nguồn lợi sinh vật biển là loại tài nguyên tái sinh, có khả năng tái sản xuất và ngày càng phát triển nếu biết khai thác một cách khoa học.

Tuy nhiên, cho đến nay việc khai thác vẫn chủ yếu là đánh bắt cá ở ven bờ (chiếm 80% sản lượng). Sản lượng đánh bắt mấy năm nay gần đây tuy có tăng, nhưng nhìn chung năng suất và sản lượng còn thấp so với nhiều nước trong vùng.

Bởi vậy, đối với nghề đánh bắt truyền thống mà chủ yếu là nghề cá, phương hướng lâu dài là phải hiện đại hóa kĩ thuật và cơ giới hóa trang bị tàu thuyền, đưa hoạt động đánh bắt ra vùng biển xa, ra đại dương.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ có 0,4% tàu thuyền cơ giới có thể ra khơi xa. Cho nên, trước mắt, cần nghiên cứu mọi khả năng để nâng cao sản xuất và sản lượng đánh bắt, phát huy khả năng của các phương tiện đánh bắt thủ công đi đôi với hiện đại hóa kĩ thuật và công nghệ. Vì sao trong điều kiện thiếu nhiên liệu, cơ sở vật chất – kĩ thuật còn hạn chế, nhưng tàu thuyền thủ công của ta hiện nay mới đóng góp 12% sản lượng đánh bắt, trong khi ở các nước Đông – Nam Á, tỉ lệ này là 50%? Cần nghiên cứu quy hoạch vùng biển nhằm khai thác hợp lí các ngư trường truyền thống, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi.

Chú trọng hơn đến những nguồn lợi sinh vật khai thác ngoài cá (nhuyễn thể, giáp xác, rong tảo..). Khai thác tôm, mực,.. là những ngành đem lại giá trị kinh tế lớn. Vừa ta chúng ta đẩy mạnh khai thác tôm có kết quả. Nhật Bản và Thái Lan những năm gần đây phát triển mạnh khai thác mực.

Nghề cá gồm có đánh bắt, nuôi trồng. Cần kết hợp đánh bắt với nuôi trồng. Những năm gần đây, thế giới đã nhận thức được rằng nghề nuôi trồng thủy sản, hải sản là một tiềm năng chưa được khai thác.

Trong nuôi trồng, chúng ta cần đặc biệt coi trọng nuôi trồng các đặc sản và nuôi cao sản. Phát triển mạnh ở các đầm phá nước lợ, các vùng ngập mặn, vùng cửa sông và các vũng vịnh ven biển, kể cả ngoài hải đảo. Đây là những khu vực đặc biệt có tiềm năng kinh tế lớn để phát triển nghề nuôi trồng hải sản ở nước ta. Năng suất sinh học ở đây có thể cao hơn 20 lần các vùng biển khơi. Cần quy hoạch sử dụng hợp lí các khu vực này để nuôi trồng hải sản và đặc sản xuất khẩu như tôm, mực, rong tảo, trai ngọc, sò huyết, đồi mồi…

Vừa qua, chúng ta đã sử dụng 4 vạn hecta nước lợ, để nuôi trồng hải sản, nuôi tôm ở Minh Hải và các tỉnh phía Nam, trồng rau câu ở Bình Trị Thiên, Quảng Ninh, Nghĩa Bình…đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng ta đã có những tiến bộ kĩ thuật về mặt này, cần nghiên cứu để mở rộng, phát triển kĩ thuật nuôi trồng thâm canh trong môi trường nước, làm cho nghề nuôi trồng hải sản trở thành một nghề quan trọng trong nền nông nghiệp toàn diện ở vùng ven biển và trong nền kinh tế biển của nước ta.

Mặt khác, cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực chế biến hải sản. Trong những năm qua, ngành hải sản mới chỉ có trên 30% sản lượng đưa qua chế biến, nhưng hao tổn trung bình hàng năm ở khâu chế biến chiếm 6-10% sản lượng. Cần nghiên cứu phương thức sử dụng hợp lý, cải tiến các phương pháp bảo quản, phát triển kĩ thuật và công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế của sản phẩm, tiết kiệm và tận dụng phế phẩm.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành hải sản, cần nghiên cứu xây dựng cơ cấu ngành hợp lý, kết hợp chặt chẽ cơ cấu ngành với cơ cấu lãnh thổ sản xuất, mở rộng cơ chế phối hợp liên ngành, gắn liền với các khâu đánh bắt – nuôi trồng với bảo quản – chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong một chu trình tái sản xuất mở rộng. Đặc biệt chú trọng củng cố vị trí của các cơ sở quốc doanh, thực hiện kinh doanh tổng hợp và hạch toán kinh tế, gắn liền với kết quả và sản phẩm cuối cùng. Xây dựng ngành hải sản trở thành một ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Hai là lĩnh vực dầu khí. Việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí ngoài biển đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Đây là một lĩnh vực phải đi ngay vào hiện đại, phải tập trung đầu tư lớn và đòi hỏi trình độ khoa học kĩ thuật cao. Lĩnh vực này đang được coi là một mục tiêu ưu tiên và được thực hiện liên doanh với Liên Xô. Gần đây, do sự cố gắng của công tác điều tra, nghiên cứu và sự phân tích có cơ sở khoa học, đưa đến sự lựa chọn đúng nơi, đúng chỗ, nên với một số mũi khoan không nhiều lắm, chúng ta đã phát hiện thấy dầu khí ở vùng trũng ở ngoài khơi biển Đông Nam Bộ. Đánh giá trữ lượng không phải là việc đơn giản, song có thể tin là có triển vọng.

Vấn đề lớn ở đây là việc huy động lực lượng của các ngành tham gia xây dựng và phục vụ dầu khí, đẩy mạnh công tác thăm dò, phát huy hiệu quả hợp tác liên doanh với Liên Xô.

Quan trọng hơn nữa là tập trung tìm ra những phương thức khai thác nhanh để sớm đưa các mỏ đầu tiên vào sản xuất, thông qua liên doanh, xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật và công nhân kĩ thuật, từng bước làm chủ được kĩ thuật và công nghệ thăm dò, khai thác.

Quy hoạch xây dựng hệ thống căn cứ trên bờ, dưới nước, xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật và dịch vụ cần thiết.

Chuẩn bị những tiền đề và khả năng để tiến tới tự lực triển khai thăm dò, khai thác được ở những nơi có điều kiện. Đồng thời, nghiên cứu việc xây dựng và phát triển công nghiệp lọc dầu và hóa dầu ở nước ta.

Ba là giao thông vận tải biển và công nghiệp đóng tàu.

Nghề hàng hải, từ xa xưa đã là một thành phần đặc trưng của nền kinh tế biển. Nhiều dân tộc đã nhờ nghề hàng hải mà phát triển nhanh, tiến lên trình độ văn minh sớm hơn các dân tộc khác.

Nước ta có sẵn những ưu thế tự nhiên để trở thành một nước có ngành hàng hải mạnh.

Vừa qua, ngành vận tải đường biển, nhất là vận tải viễn dương đã có tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, hiện nay kể cả Trung ương và địa phương, cả vận tải ven biển Bắc – Nam và vận tải viễn dương chúng ta mới có 60 tàu và xà lan biển với sức trở trên 40 vạn tấn. Hiệu quả sử dụng đội tàu còn thấp, mới đảm bảo được một phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của ta. Sự phát triển hiện nay còn thấp xa so với tiềm năng cũng như với yêu cầu phát triển nền kinh tế quốc dân nước ta.

Cần sớm quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải biển quốc tế và trong nước.

Xây dựng đội tàu mạnh, phát triển đội tàu vận tải ven biển, tàu pha sông biển (kể cả bằng xi măng lưới thép) nhằm nâng cao năng lực vận tải Bắc – Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu quốc tế, sự liên kết kinh tế giữa các địa phương trong nước.

Để vận tải biển đạt hiệu quả kinh tế cao, cần xây dựng các kết cấu hạ tầng đồng bộ: hoàn thiện và mở rộng hệ thống các cảng sông và cảng biển, nạo vét luồng lạch, tăng cường năng lực xếp dỡ ở các cảng, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc và viễn thông…

Đặc biệt, cần phải nâng cao năng lực sửa chữa và đóng mới tàu biển. Trước hết, cần khai thác năng lực hiện có của ngành cơ khí. Song, với năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân và cơ sở vật chất kĩ thuật hiện có, không chỉ hạn chế trong việc đóng tàu sử dụng nước, mà còn nên suy nghĩ liên doanh với một nước khác, đóng tàu cỡ thích hợp với khả năng chế tạo, để xuất khẩu (theo hình thức gia công) và từng bước phát triển đi lên.

Với vị trí thuận lợi trên đường hàng hải quốc tế, cần nghiên cứu phát triển dịch vụ tàu biển để lấy ngoại tệ.

Bốn là, khai thác khoáng sản và hóa phẩm từ biển.

Đây là một lĩnh vực có triển vọng trong nền kinh tế biển của nước ta.

Trước hết, đối với nghề muối là một nghề truyền thống, cần mở rộng năng lực để thu hút lao động vùng ven biển và để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cho sinh hoạt và công nghiệp, phải tìm những giải pháp kinh tế - kĩ thuật để nâng cao chất lượng muối đáp ứng yêu cầu của công nghiệp và nâng cao năng suất lao động nghề muối. Áp dụng biện pháp kĩ thuật để thu hồi tổng hợp các chất đi kèm trong nước ót như thạch cao, oxyt manhe, clorua kali… các hóa chất khác như brôm, Iốt….

Các sa khoáng ở ven biển nước ta là một nguồn tài nguyên quý, có chất lượng tốt, dễ khai thác, trữ lượng tuy không lớn so với thế giới nhưng có thể khai thác trong nhiều thập kỉ. Đáng chú ý là nguồn cát thạch anh và những mỏ sa khoáng chứa inmenhit – zircon –monazite, có ý nghĩa kinh tế, có giá trị kĩ thuật, chế tạo những vật liệu cao cấp, có thể khai thác ở quy mô công nghiệp. Đây là nguồn khoáng sản ta đang cần và có khả năng xuất khẩu. Hàng năm trên thế giới đã khai thác 7% loại khoáng sản này ở rìa lục địa.

Cần lưu ý một đặc điểm quan trọng là sa khoáng nếu không khai thác thì cũng bị thiên nhiên phá hủy. Hiện nay, chúng ta đã sơ bộ xác định được một số mỏ có trữ lượng lớn (trên 50 vạn tấn) và trung bình (5-50 vạn tấn). Các mỏ này có điều kiện địa lý – kinh tế thuận lợi. Việc khai thác cần ít năng lượng, không đòi hỏi vốn lớn và trình độ kĩ thuật cao, thời gian hoàn vốn nhanh, có thể tạo ra nhiều việc làm, thu hút được nhiều lao động thủ công.

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thăm dò, tiếp tục đánh giá trữ lượng và sự phân bố các mỏ sa khoáng. Vấn đề chính là nghiên cứu công nghiệp xử lý ở quy mô công nghiệp, công nghệ khai thác và chế biến quặng và những vấn đề kinh tế khai thác tài nguyên. Với kết quả đã thăm dò, cần xây dựng sớm đề án khai thác tổng hợp inmenhit – zircon -  monazit để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu.

Nghiên cứu việc khai thác các quặng phốt phát ở các đảo để tăng thêm nguồn cũng cấp phân bón.

Cần chú ý đến triển vọng hợp tác quốc tế để khai thác kết hạch sắt – mănggan ở đáy biển thuộc vùng biển ở nước ta.

Năm là, phát triển ngành du lịch ven biển.

Ngành du lịch những năm gần đây đã trở thành một ngành kinh tế mới, có tốc độ phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nhiều nước trên thế giới.

Nước ta có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú, có nhiều cảnh đẹp ở ven biển, hải đảo, nhiều di tích lịch sử và văn hóa mang bản sắc dân tộc độc đáo,…Đó là nguồn xuất khẩu không gì thay thế được mà nhiều nước không thể có nhưng việc khai thác và kinh doanh du lịch còn hạn chế.

Vùng ven biển, ngoài ưu thế lớn về du lịch, còn là nơi an dưỡng, chữa bệnh rất tốt, nhất là những nơi có suối khoáng nóng, có bãi tắm tốt.

Tuy với mức độ khai thác còn hạn chế hiện nay, ngành du lịch mỗi năm đã thu được nguồn ngoại tệ nhất định. Cho nên, đây là một lĩnh vực quan trọng, cần triệt để khai thác.

Cần triển khai nghiên cứu, khảo sát tài nguyên du lịch biển làm cơ sở để quy hoạch các khu vực du lịch, sớm đầu tư khai thác ngay những nơi có điều kiện, từng bước hình thành các trung tâm du lịch như các khu vực Bãi Cháy, Đồ Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải, Hà Tiên, vịnh Hạ Long, các đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc…

Kết hợp quá trình đô thị hóa vùng ven biển với phát triển kinh tế du lịch. Nghiên cứu thị trường du lịch để phát triển những loại hình du lịch thích hợp, thu hút khách nước ngoài. Đồng thời, phát triển dịch vụ du lịch để thu hút lao động dư thừa ven biển.

Mở rộng kinh doanh du lịch làm cho ngành du lịch dần dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng của nước ta.

Để khai thác biển và tài nguyên biển một cách có hiệu quả theo những phương hướng phát triển kinh tế biển nói trên, chúng ta cần nắm vững một số tư tưởng chỉ đạo:

1) Trước hết, phải quán triệt tư tưởng tất cả vì con người, tất cả do con người.

Sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội ở vùng biển nước ta tuân theo quy luật kinh tế cơ bản của CNXH, trước hết nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người về ăn, mặc, ở, sức khỏe, học hành, đi lại, việc làm,..phục vụ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân ta.

Song, sự nghiệp lớn lao đó lại do chính con người, do nhân dân lao động trên cả nước ta nói chung và đặc biệt do nhân dân lao động vùng ven biển, những con người lao động trên biển, đội ngũ cán bộ và công nhân các ngành kinh tế - kĩ thuật có liên quan đến biển,..trong đó có lực lượng khoa học và kĩ thuật làm nên.

Con người lao động, với tư cách là người làm chủ và là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, là vốn quý nhất của chúng ta. Bởi vậy việc chăm lo xây dựng con người, phát huy cao độ vai trò làm chủ của con người đối với biển và tài nguyên biển là tư tưởng chỉ đạo hàng đầu để phát triển kinh tế và xã hội vùng biển của chúng ta.

Bác Hồ đã nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

Chúng ta phải xây dựng và bồi dưỡng cho được những con người Việt Nam mới XHCN. Đó là những con người yêu nước, có tinh thần làm chủ tập thể XHCN, cho những người lao động giỏi, có kỉ luật, có kĩ thuật, có năng suất cao, những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc kiên cường. Đó là những con người có sức khỏe tốt, thích nghi với biển, với hoạt động lao động ở biển, có tri thức, nắm được quy luật về biển, có đầy đủ năng lực để làm chủ vùng biển và tài nguyên biển của nước ta.

Nhân dân lao động ở vùng ven biển, ở ngoài hải đảo là nguồn bổ sung chính cho lực lượng lao động trên biển. Vì vậy, chúng ta cần tiến hành điều tra tình hình đời sống mọi mặt của nhân dân vùng ven biển để có chính sách phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu lao động trên biển, phù hợp với khả năng kinh tế và điều kiện thiên nhiên ở biển.

Phải nghiên cứu giải quyết tốt những nhu cầu cơ bản của nhân dân lao động vùng biển: ăn uống, cơ cấu bữa ăn và tổ chức bữa ăn, vấn đề dinh dưỡng của trẻ em; vấn đề mặc ở biển qua các mùa, khi đi biển và lúc ở trên bờ; đặc biệt là vấn đề ở, đi lại, học hành của trẻ em và nhân dân lao động vùng biển, của những người đang lao động trên biển cách xa đất liền, ở những hải đảo. Khí hậu vùng biển nói chung có lợi cho sức khoẻ, nhưng hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn bệnh đau mắt hột, phải nghiên cứu cơ cấu bệnh tật, các bệnh nghề nghiệp, vấn đề vệ sinh phòng bệnh, chất lượng môi trường sống....ở vùng biển. Chú trọng đến điều kiện lao động, vấn đề an toàn lao động ở biển. Hiện nay, tỉ lệ tăng dân số ở vùng biển là 3%, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước, cho nên cần nghiên cứu những biện pháp khoa học để giảm tỉ lệ sinh đẻ, thực hiện kế hoạch hoá gia đình ở vùng biển là rất quan trọng và cấp bách.

Đồng thời, phải nghiên cứu việc tổ chức đời sống xã hội ở vùng ven biển một cách khoa học, gắn liền với sự phát triển nông thôn và đô thị mới XHCN, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, điều kiện sinh thái đặc thù của vùng biển.

Vùng biển nước ta với điều kiện tự nhiên thuận lợi đã được nhân dân ta phát triển từ lâu. Tuy nhiên, sự phát triển đó không đồng đều giữa các địa phương ven biển. Trình độ kinh tế, văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần ở nhiều nơi còn thấp kém. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nói chung cũng như trình độ phân công lao động xã hội chậm phát triển.

Vùng biển nước ta là nơi tập trung đông dân, khoảng 50% số dân trong cả nước, nhưng phân bố không hợp lí. Lực lượng lao động làm nghề cá chỉ chiếm 1% lao động của cả nước. Nhiều lĩnh vực khác của kinh tế biển chưa được chú trọng, ngành nghề phát triển chậm và cơ cấu chưa hợp lý nên lực lượng lao động, nhất là lao động nữ ở vùng biển chưa được sử dụng tốt. Nhiều nghề truyền thống bị mai một như nghề đóng thuyền gỗ, một số nghề chế biến hải sản…

Vì vậy, vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài để phát triển kinh tế và xã hội vùng biển nước ta là nghiên cứu việc phân bố dân cư và phân công lao động ở vùng biển một cách tối ưu theo một quy hoạch toàn diện, lâu dài, kết hợp kinh tế với quốc phòng, trong đó có vấn đề đưa dân ra đảo. Thực hiện phân công lao động tại chỗ đi đôi với phân bố lại lực lượng lao động trong cả nước. Mở mang ngành nghề với cơ cấu thích hợp trên cơ sở khai thác tài nguyên biển, tài nguyên địa phương, làm cho cơ cấu lao động vừa phù hợp với cơ cấu kinh tế trong từng thời kì, vừa chuẩn bị được tiền đề để đẩy mạnh công nghiệp hóa trong chặng đường trước mắt. Biển có khả năng to lớn tạo ra công ăn việc làm. Hiện nay, cứ một lao động dưới nước cần có ba lao động trên bờ; phát triển 1 hecta làm muối hay trồng cói thì thu hút được 10 lao động đơn giản; việc nuôi trồng hải sản, các nghề thủ công như dệt chiếu, đan cói, chế biến hải sản… có thể sử dụng được nhiều lao động nữ.

Tổ chức lại lao động, mở mang ngành nghề, phát triển lực lượng sản xuất ở vùng biển phải gắn liền với xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Đi đôi với việc tăng cường lực lượng lao động cho khu vực kinh tế quốc doanh và tập thể (hiện nay chỉ có 17% lao động nghề cá thuộc khu vực quốc doanh), cần nghiên cứu các mô hình kinh tế gia đình ở từng địa phương ven biển để tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động.

Vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân, ngư dân có kĩ thuật, phù hợp với sự phát triển cơ cấu ngành nghề lao động trên biển cũng đang đặt ra một cách khẩn trương, đòi hỏi phải được tiến hành một cách có quy hoạch, có kế hoạch. Chúng ta cần thực hiện một chính sách giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của vùng biển, kết hợp chặt chẽ giáo dục với khoa học và sản xuất, từng bước xây dựng một lực lượng lao động có trình độ văn hóa và khoa học, giỏi kĩ thuật và công nghệ, có năng lực hành động, năng lực tổ chức và quản lí, đáp ứng được yêu cầu phân công lao động hiện nay và đón trước sự phân công lao động sắp tới trong từng ngành, từng địa phương ở vùng biển của nước ta,

Đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng, cần nghiên cứu đề ra các chính sách khuyến khích thích đáng những người lao động trên biển và ngoài hải đảo, nhằm phát triển lực lượng lao động nghề biển, phát triển các ngành kinh tế biển.

2) Phải hết sức coi trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển, trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh công tác điều tra, nghên cứu tổng hợp biển và tài nguyên biển. Trước mắt, cần đầu tư có trọng điểm vào việc điều tra nghiên cứu nhằm phục vụ cho khai thác và sử dụng biển trên các mặt: hải sản, dầu khí, khoáng sản, giao thông vận tải, du lịch. Xây dựng những căn cứ khoa học cho việc xác định cơ cấu kinh tế hợp lí, phân vùng, quy hoạch, phát triển và phân bố lực lượng sản xuất, cho việc xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn đáp ứng các mục tiêu kinh tế, xã hội trước mắt và lâu dài.

Phải nghiên cứu xây dựng một chính sách sử dụng tài nguyên đúng đắn trên quan điểm khai thác tổng hợp và sử dụng hợp lí, có cơ sở khoa học đối với từng loại tài nguyên tái tạo với yêu cầu bảo đảm cân bằng sinh thái; sử dụng với ý thức tiết kiệm cao nhất các tài nguyên không tái tạo.

Khai thác các tài nguyên sinh vật biển phải đi đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Phải quan tâm hàng đầu đến việc duy trì, bảo đảm cho sự tái sinh, sự phát triển, làm cho nguồn lợi sinh vật biển của nước ta ngày càng giày có. Giữa các sinh vật ở biển đã có những quan hệ tối ưu, những tỉ lệ cân bằng nhất định, có khả năng tự điều chỉnh trong giới hạn cho phép. Cho nên, việc khai thác tài nguyên sinh vật biển không được phép vượt quá giới hạn của tái sản xuất tự nhiên.

Hiện nay, ở nước ta đang có hiện tượng khai thác vượt quá giới hạn cho phép, làm cho nhiều loại tài nguyên có chiều hướng suy giảm, chẳng hạn khai thác kiệt quệ rừng ngập mặn ở Nam Bộ, khai thác hủy diệt san hô bằng đánh mìn… Khai thác tôm hùm ở Phú Khánh, đánh bắt cả những con tôm còn nhỏ nên sản lượng giảm liên tục hằng năm; khai thác tổ yến, mỗi năm thu được 1,2-1,3 T, đã làm thay đổi cả tập tục làm tổ, đẻ trứng, ấp con của chim…

Bởi vậy, cần phải sớm ban hành những pháp luật về bảo vệ tài nguyên. Nhất là đối với tài nguyên sinh vật, phải quy định mùa vụ, khu vực và đối tượng đánh bắt… Đánh bắt phải kết hợp với nuôi trồng. Hết sức coi trọng việc nuôi trồng. Phải nghiên cứu những chính sách khuyến khích nuôi trồng hải sản.

Mặt khác, phải nghiên cứu những biện pháp nhằm khôi phục nhanh chóng các nguồn tài nguyên và điều kiện môi trường hiện đang bị suy thoái để sử dụng lâu dài và có hiệu quả.

Một biện pháp hết sức quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả là nhanh chóng ứng dựng những thành tựu khoa học và tiến bộ kĩ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai để tìm ra những phương hướng mới cho việc sử dụng tài nguyên, chẳng hạn việc khai thác các chất hoạt tính sinh học trong các sinh vật biển… Chú trọng việc áp dụng các phương pháp khoa học, các kĩ thuật và công nghệ mới như công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, công nghệ có ít hoặc không có chất thải, công nghệ tận dụng phế thải… trong lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu kinh tế - tài nguyên để đặt cơ sở khoa học cho việc để ra chủ trương và chính sách sử dụng tài nguyên đúng đắn.

3) Khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự cân bằng sinh thái của biển.

Thực tế ở nhiều nước đã chứng minh rằng, do tham lam chạy đua khai thác một nguồn lợi nào đó mà dẫn đến hủy hoại các nguồn lợi thiên nhiên khác, hủy hoại môi trường sống.

Vì vậy, để tránh tình trạng này, bên cạnh những văn bản có tính chất pháp lệnh quy định rõ nguyên tắc và chế độ khai thác biển, cần tuyên truyền giáo dục rộng rãi cho nhân dân, nhất là những người có liên quan đến việc khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển hiểu được bảo vệ môi trường, bảo vệ sự cân bằng sinh thái của biển là vì lợi ích lâu dài của đất nước, vì thế hệ chúng ta và vì thế hệ mai sau.

Phải hết sức nghiêm ngặt trong việc chống nhiễm bẩn môi trường, sự nhiễm bẩn có thể do các chất thải từ công nghiệp, từ các tàu biển… và nhiều nguồn gốc khác gây ra.

Khoa học và kĩ thuật cần nghiên cứu các nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng của các loại ô nhiễm và các biện pháp khắc phục, đặc biệt chú ý nghiên cứu ngay việc chống ô nhiễm do khai thác dầu khí sắp tới có thể gây ra. Cần ban hành ngay những quy định về bảo vệ môi trường ở vùng Vịnh Hạ Long, Vũng Tàu, Côn Đảo, Đồ Sơn…

4) Phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh.

Hướng biển là hướng xung yếu của nước ta về mặt quốc phòng và từ nhiều năm nay vẫn là một điểm chú ý về mặt an ninh chính trị.

Kẻ địch từ xưa vẫn xâm lược nước ta từ hướng biển. Ngày nay chúng vẫn đang từ hướng biển mà phá hoại ta. Sau này, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra, hướng tấn công từ biển của chúng vẫn là hướng mà chúng ta phải hết sức đề phòng.

Việc phân bổ lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ về kinh tế và quốc phòng.

Sự bố trí đó về mặt lực lượng phải bảo đảm phát huy được sức mạnh của ba thứ quân, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu; mỗi cơ sở kinh tế là một công trường sản xuất có tổ chức chặt chẽ, đạt năng suất cao, đồng thời là một trận địa chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thế bố trí về mặt địa bàn vừa tạo điều kiện khai thác toàn diện và tổng hợp các nguồn tài nguyên, vừa hình thành một thế trận liên hoàn có chiều sâu, thuận lợi cho tác chiến.

Xây dựng vùng biển vững mạnh về kinh tế, có đời sống văn hóa và tinh thần tốt đẹp, phát triển đồng đều trên suốt dải ven biển có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh. Mỗi huyện vùng biển phải xây dựng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, để thực sự trở thành một pháo đài vững chắc, duy trì tốt trật tự an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa phương và bảo đảm được hậu cần tại chỗ.

Phải ra sức xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, tăng cường năng lực làm chủ trên biển và bảo vệ vững chắc vùng biển, làm cho hải quân xứng đáng là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển.

Bở biển nước ta dài, lãnh hải và vũng đặc quyền kinh tế của nước ta rộng bao la, cho nên công tác bảo vệ là vô cùng quan trọng và khó khăn.

Phải bảo vệ chống lại sự phá hoại của kẻ thù đối với các mục tiêu kinh tế trên biển, dưới biển và ven biển, như các dàn khoan, tàu thuyền đánh cá lâu ngày trên biển khơi, nơi quần tụ các luồng cá, các cơ sở công nghiệp dầu, các xí nghiệp chế biến hải sản, các kho tàng, bến bãi… Đồng thời phải bảo vệ bờ biển chống lại sự xâm nhập của đối phương qua đường biển…

Để làm tốt việc này, phải biết huy động mọi khả năng, mọi lực lượng, mọi phương tiện, mọi ngành, mọi cấp, với sự tham gia của phong trào quần chúng rộng rãi.

5) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển.

Khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển là một lĩnh vực cần đầu tư lớn, cần kĩ thuật cao, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều tổ chức, nhiều quốc gia… Vì vậy, cần phải giải quyết tốt vấn đề hợp tác quốc tế.

Trước hết, chúng ta cần khẳng định sự hợp tác toàn diện và lâu dài với Liên Xô và các nước XHCN anh em khác. Sự hợp tác này mang ý nghĩa chiến lược nhằm điều tra, nghiên cứu, khai thác và sử dụng có hiệu quả biển và tài nguyên biển Việt Nam. Cần chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, nhất là trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ mới để từng bước tiến lên làm chủ trong lĩnh vực này.

Đồng thời, cần mở rộng diện hợp tác quốc tế với các nước trên bán đảo Đông Dương, các nước bè bạn như Ấn Độ…, với các nước trong khu vực, một số nước tư bản chủ nghĩa và với các tổ chức quốc tế trong từng phạm vi, trên từng lĩnh vực, mà trước hết là trong nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin khoa học kĩ thuật, thông tin – kinh tế. Cần nghiên cứu các hình thức chuyển giao kĩ thuật và công nghệ trong lĩnh vực này.

Đất nước chúng ta có đủ mọi điều kiện và tiền đề xây dựng và phát triển một nền kinh tế biển tương đối toàn diện. Có đồng chí cho rằng, nước ta có thể trở thành một cường quốc về biển. Chiến lược làm chủ biển đặt ra lúc này là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng như về lâu dài. Đó là mơ ước và cũng là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật là những người lính xung kích đi đầu.

(Còn tiếp)

Vietfish.org
Đăng ngày 12/10/2013
Kinh tế

Xuất khẩu tôm Ecuador gặp khó khăn: Dự báo đầy thách thức cho năm 2025

Ngành xuất khẩu tôm đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ecuador, không chỉ cung cấp nguồn thu ngoại tệ lớn mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Tôm
• 08:00 11/01/2025

Các cơ sở chế biến thủy sản đang tăng khối lượng để phục vụ dịp tết

Dịp Tết Nguyên Đán không chỉ là thời gian để người dân sum vầy, mà còn là giai đoạn cao điểm cho ngành chế biến thủy sản. Nhu cầu về thực phẩm tăng vọt trong dịp này đã khiến các cơ sở chế biến đẩy mạnh sản xuất để cung ứng hàng hóa ra thị trường.

Cơ sở chế biến thủy sản
• 09:53 08/01/2025

Ngành cá ngừ đứng trước cơ hội “vàng” để tăng xuất khẩu sang UAE

Việc ký kết Hiệp định Đối tác giữa Việt Nam - UAE (CEPA) đang mở ra một chương mới cho ngành cá ngừ Việt Nam, đặc biệt trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Cá ngừ
• 09:58 07/01/2025

Thủy sản năm 2025 với cơ hội thị trường Trung Quốc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2024 đạt 1,9 tỷ USD và đang có nhiều cơ hội khi bước vào năm 2025. Tuy nhiên, để khai thác thị trường thủy sản lớn nhất thế giới này, thủy sản Việt Nam phải thay đổi nhiều mặt.

Xuất khẩu thủy sản
• 10:06 06/01/2025

Loài cá được mệnh danh là "phù thủy" dưới đại dương

Cá mặt quỷ không chỉ được thiên nhiên “ưu ái” ban tặng một vẻ ngoài “ma chê quỷ hờn” mà còn sở hữu thêm kỹ năng ngụy trang và phản công bằng nọc độc vô cùng đáng sợ hệt một phù thủy thực thụ dưới đại dương.

Cá mặt quỷ
• 10:12 11/01/2025

Nâng cao công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản

Hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tàu cá
• 10:12 11/01/2025

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2025

Ngày 03/01/2025, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhá tôm
• 10:12 11/01/2025

Giải pháp vi sinh giảm thiểu khí độc trong ao nuôi

Các khí thường xuyên xuất hiện trong ao nuôi tôm, đặc biệt khi chất hữu cơ tích tụ và quá trình phân hủy xảy ra mạnh mẽ. Những khí độc này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tôm mà còn làm giảm năng suất nuôi.

Tạt vi sinh
• 10:12 11/01/2025

Xử lý dịch bệnh không dùng kháng sinh trong nuôi tôm

Nuôi tôm là một ngành kinh tế quan trọng, nhưng cũng đầy thách thức khi dịch bệnh thường xuyên xuất hiện, đe dọa năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Tôm thẻ
• 10:12 11/01/2025
Some text some message..