Bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị Khoa học về Biển, Hà Nội, 6-8/6/1985 (tiếp theo và hết)

Chúng ta và các thế hệ Việt Nam mai sau có trách nhiệm xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của chúng ta trở thành một nước giàu mạnh, nói như vậy có nghĩa là một nước giàu mạnh cả trên đất liền và trên biển.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tàu hải quân - Ảnh tư liệu

III. XÂY DỰNG TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ KĨ THUẬT VỀ BIỂN CỦA NƯỚC TA

Xây dựng tiềm lực khoa học và kĩ thuật quốc gia về biển đủ mạnh, tạo ra được năng lực làm chủ biển về mọi mặt - đối với nước ta hiện nay trở thành một vấn đề cấp bách.

Khoa học về biển về thực chất là sự tổng hợp của nhiều ngành khoa học và kĩ thuật vận dụng vào biển, đồng thời gồm một số ngành khoa học hoặc kĩ thuật đặc trưng của biển; với một ý nghĩa chung, chúng ta cũng có thể nói đến vấn đề xây dựng một nền khoa học và kĩ thuật về biển.

Sức mạnh trên biển của một quốc gia là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học và kĩ thuật…

Nước ta đã bước vào kỉ nguyên mới, quyền làm chủ biển Đông cần được đặt ra một cách toàn diện ở một trình độ ngày càng cao.

Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của thế kỉ 21- được dự báo là “thế kỉ của biển và đại dương”.

Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng KHKT - thời đại mà tiềm lực khoa học và kĩ thuật trở thành một bộ phận hợp thành năng động nhất của sự phát triển các lực lượng sản xuất và của nền kinh tế, xã hội của các nước.

Song, hiện nay, có thể nói rằng, trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta còn coi nhẹ việc xây dựng tiềm lực khoa học và kĩ thuật về biển của nước ta.

Một biểu hiện của sự coi nhẹ đó là trong các báo cáo tại Hội nghị lần này, chúng ta hầu như không đề cập đến lực lượng cán bộ của các ngành khoa học và kĩ thuật về biển, chúng ta không có con số chính xác về số cán bộ KHKT chuyên nghiên cứu về biển. Mặc dầu trong những năm qua, các ngành kinh tế - kĩ thuật có liên quan đến biển, ngành nào cũng đều tổ chức đào tạo cán bộ cho mình, nhưng công tác đào tạo chưa có quy hoạch và kế hoạch. Một số trường đại học đào tạo cán bộ cho các ngành kinh tế biển như Đại học Thủy sản, Đại học Giao thông,… lại không có chương trình giảng dạy về Hải dương học.

Cho đến nay, chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu về biển (bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội), được đào tạo cả trong nước và ngoài nước, và cũng trải qua hoạt động thực tiễn điều tra, nghiên cứu. Tuy nhiên, so với tiềm năng của biển, so với yêu cầu phát triển kinh tế và khoa học kĩ thuật về biển thì đội ngũ đó còn quá nhỏ bé, cơ cấu không đồng bộ, chất lượng và trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Hiện nay, chúng ta có 2 viện nghiên cứu ( Viện Nghiên cứu Biển thuộc Viện Khoa học Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ Thủy sản) và 2 trường đại học (Thủy sản, Hàng hải) mà toàn bộ hoạt động gắn liền với biển. Ngoài ra, còn có gần 20 trường đại học và viện nghiên cứu khác có các hoạt động phần nào liên quan đến biển. Số lượng như vậy không phải là nhiều, lại thiếu phối hợp chặt chẽ với nhau. Cơ sở vật chất - kĩ thuật còn thiếu thốn, trang thiết bị phần lớn lạc hậu và chậm được đổi mới. Thông tin khoa học và kĩ thuật, thông tin kinh tế về biển rất thiếu và không có hệ thống.

Là một đất nước có biển, diện tích vùng biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, nhưng nhìn lại hoạt động kinh tế và khoa học về biển, có thể nói chúng ta vẫn còn quay lưng lại với biển.

Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để sớm xác định những nội dung lớn của khoa học và kĩ thuật về biển.

Chúng ta đều biết rằng, biển và đại dương đã được con người quan tâm nghiên cứu từ lâu. Nhưng mãi đến thế kỉ 18, việc nghiên cứu mới mang tính hệ thống và khoa học về biển mới thực sự ra đời cách đây hơn một thế kỉ.

Như trên đã nói, khoa học về biển không phải là một lĩnh vực đơn ngành, mà là sự tổ hợp của nhiều ngành khoa học cùng nghiên cứu một đối tượng đặc biệt trong không gian là biển và đại dương. Vì thế, việc nghiên cứu tính quy luật của những sự vật và hiện tượng tồn tại ở biển và đại dương hoặc có liên quan đến biển và đại dương được tiến hành nhờ sử dụng những phương pháp và phương tiện của nhiều ngành khoa học như vật lí, hóa học, sinh học, địa chất học, thiên văn học, các khoa học Trái đất nói chung, kể cả khoa học và kĩ thuật vũ trụ, toán học,… Do đó, dẫn đến sự ra đời các ngành như khí tượng - hải văn, vật lí biển, hóa học biển, địa chất biển, sinh học biển,…

Sự phát triển của khoa học về biển cũng theo quy luật chung của sự phát triển các khoa học, từ chuyên sâu đi đến tổng hợp, và ngày càng xuất hiện những công trình nghiên cứu ở ranh giới của  nhiều lĩnh vực khoa học như điều khiển học sinh học biển mà các nhà  khoa học còn gọi là bionic, hóa-sinh học biển nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên tồn tại trong các sinh vật biển, dược học biển nghiên cứu để tìm ra các dược liệu từ biển như các chất chống virus, chống các khối u, các chất kháng sinh, các chất có hoạt tính sinh học.

Từ những năm 60 trở lại đây, do sự quan tâm khai thác đại dương ngày càng tăng, lĩnh vực kĩ thuật và công nghệ biển đã phát triển mạnh mẽ. Khoa học gắn liền với kĩ thuật và công nghệ đã đi thẳng vào lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Các ngành khoa học và kĩ thuật về biển và đại dương có sự chuyển biến lớn về phương hướng, quy mô nghiên cứu. Nhiều quy luật của biển và đại dương đã được phát hiện. Các nhà khoa học cho rằng, thời kì mà con người có khả năng làm chủ được quá trình từ điều tra, nghiên cứu đến khai thác và sử dụng tiềm năng về mọi mặt của biển và đại dương đã bắt đầu. Khoa học và kĩ thuật về biển hiện nay đang trở thành một lĩnh vực mũi nhọn, đang ngày càng phát triển.

Trước kia, tài nguyên sinh vật biển được con người sử dụng chủ yếu là làm thức ăn, thì ngày nay nó đã trở thành nguồn dược liệu, nguồn nguyên liệu phong phú cho nhiều ngành công nghiệp. Điều đó đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển nhiều hướng nghiên cứu mới.

Cho nên, hoàn toàn đúng khi chúng ta nói rằng: tương lai của khoa học và kĩ thuật về biển phụ thuộc vào cách thức con người sử dụng biển và đại dương.

Hiện nay, có 3 nội dung lớn của khoa học kĩ thuật về biển và đại dương:

Một là, những ngành khoa học nghiên cứu cơ bản về biển và đại dương như: khí tượng - hải văn, vật lí biển, địa chất biển, địa - vật lí biển, hóa học biển, sinh học biển,…là những lĩnh vực nghiên cứu của Hải dương học truyền thống, và nhiều lĩnh vực ranh giới mới như hóa dược, dược học biển, điều khiển học sinh học biển,…mà chúng ta vừa nói ở trên.

Hai là, những kĩ thuật và công nghệ sử dụng ở mặt biển và dưới đáy biển phục vụ cho hoạt động khoa học (quan sát, đo đạc, nghiên cứu, thăm dò, thí nghiệm - thử nghiệm) và hoạt động kinh tế (khai thác, sử dụng), như kĩ thuật và công nghệ khai thác khoáng sản ở đáy biển, dầu khí ở thềm lục địa, kĩ thuật và công nghệ đóng tàu, xây dựng cảng và các công trình ở biển, kĩ thuật hàng hải,...

Ba là, những khoa học và kĩ thuật liên quan đến vấn đề khai thác về mặt kinh tế các tài nguyên ở biển và đại dương trên quy mô công nghiệp, với sự hình thành các ngành công nghiệp biển và đại dương, các liên hiệp hay các tổ hợp khoa học - công nghiệp biển và đại dương.

Trong những nội dung nói trên, những vấn đề đặt ra cho đất nước ta, cho nền khoa học và kĩ thuật của nước ta hiện nay và trong tương lai, cụ thể là trong 5 năm 1986-1990 và đến năm 2000 là gì?

Ở trên chúng ta đã đề cập đến năm phương hướng trọng điểm về phát triển kinh tế biển. Hoạt động khoa học và kĩ thuật về biển trước hết phải tập trung vào các hướng đó. Mỗi phương hướng là một lĩnh vực kinh tế - kĩ thuật hết sức quan trọng, đồng thời cũng là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học và kĩ thật phong phú, đa dạng và phức tạp.

Tất nhiên, không chỉ hạn chế ở năm phương hướng đó. Biển trở thành đối tượng nghiên cứu vô tận của khoa học. Các khoa học nghiên cứu về biển, bên cạnh những nét chung, có những cái riêng khác với các khoa học nghiên cứu các đối tượng trên đất liền. Biển có khả năng cung cấp cho khoa học những mô hình nghiên cứu lí tưởng, mở ra những lĩnh vực khoa học và kĩ thuật mới để phục vụ con người, phục vụ xã hội.

Các nhà khoa học và kĩ thuật phải có trách nhiệm nghiên cứu một đề án xây dựng nền khoa học và kĩ thuật về biển của nước ta, trong đó có thể và cần phải có nhiều phương án.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước cũng như ở vùng biển là một quá trình tổng hợp của ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kĩ thuật là then chốt. Nền khoa học và kĩ thuật nói chung ở nước ta, cũng như nền khoa học và kĩ thuật về biển nói riêng phải được xây dựng căn cứ vào những đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ chung của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật ở nước ta. Khoa học và kĩ thuật về biển phải gắn liền với quá trình phát triển kinh tế và xã hội vùng biển. Từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn XHCN, nền khoa học và kĩ thuật về biển phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp những thành tựu của cuộc cách mạng KHKT với tính ưu việt của CNXH, kết hợp sự tiếp thu có chọn lọc và làm chủ những thành tựu hiện đại với sự kế thừa và phát triển trên cơ sở khoa học những kinh nghiệm truyền thống.

Chúng ta cần xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, từ những mục tiêu kinh tế và xã hội mà đặt vấn đề phát triển khoa học và kĩ thuật, xuất phát từ những mục tiêu trước mắt và những mục tiêu lâu dài để xây dựng tiềm lực khoa học và kĩ thuật. Nền khoa học và kĩ thuật về biển phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp khoa học tự nhiên với khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội, gắn liền khoa học với kĩ thuật, công nghệ và sản xuất, có sự tiếp cận tổng hợp đối với khoa học hiện đại, chú trọng đến những xu hướng phát triển khoa học và kĩ thuật trên thế giới mà đề ra phương hướng khoa học và kĩ thuật về biển ở nước ta. Phải phát triển cân đối giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và triển khai, hết sức chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai nhằm đưa nhanh tiến bộ khoa học và kĩ thuật và thực tiễn sản xuất, đời sống và quốc phòng; đồng thời quan tâm đầy đủ đến nghiên cứu cơ bản có định hướng nhằm đón trước và mở ra những phương hướng phát triển mới. Phải đảm bảo sự phát triển vượt trước của những lĩnh vực khoa học chủ đạo, những phương hướng kĩ thuật và công nghệ mũi nhọn, những ngành kinh tế - kĩ thuật ưu tiên.

Hiện nay, chúng ta cần phát triển mạnh mẽ và vững chắc vùng ven biển và các hải đảo, trước hết chú ý đến biển gần rồi đến biển xa, chú ý đến thềm lục địa, trước hết là ở những độ sâu không lớn lắm. Nhưng trong tương lai, chúng ta phải vươn ra đại dương. Chúng ta có quyền lợi và cũng có trách nhiệm cùng các nước khác trên thế giới nghiên cứu và khai thác đại dương. Bởi vậy, trong đề án xây dựng tiềm lực khoa học và kĩ thuật, xây dựng nền khoa học và kĩ thuật về biển, phải chú trọng đến những vấn đề của vùng biển quốc gia và thềm lục địa, nhưng cũng cần phải suy nghĩ đến những vấn đề mà việc nghiên cứu và khai thác đại dương trong tương lai sẽ đặt ra cho chúng ta.

Những vấn đề vừa được nói đến ở trên là cơ sở để vạch ra bước đi thích hợp trong việc xây dựng tiềm lực khoa học và kĩ thuật, xây dựng nền khoa học và kĩ thuật về biển của chúng ta.

Nói đến tiềm lực khoa học và kĩ thuật của một quốc gia có nghĩa là nói đến khả năng của hệ thống khoa học và kĩ thuật mà chủ yếu là năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học và kĩ thuật, đội ngũ công nhân kĩ thuật trong việc giải quyết những vấn đề triển vọng lâu dài cũng như cấp bách trước mắt của sự phát triển khoa học và kĩ thuật, phát triển kinh tế và xã hội.

Vấn đề có ý nghĩa quyết định hiện nay là phải phát huy cao nhất tiềm lực khoa học kĩ thuật hiện có. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và kĩ thuật về biển một cách đồng bộ và cân đối.

Trước hết phải nói đến việc tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và kĩ thuật, đội ngũ công nhân kĩ thuật về biển. Ở bất kì loại hình nào của hoạt động kinh tế và xã hội, đội ngũ này luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất của tiềm lực khoa học và kĩ thuật.

Cần nhanh chóng kiểm kê và đánh giá toàn diện lực lượng cán bộ của các ngành khoa học và kĩ thuật về biển vào số cán bộ KHKT chuyên nghiên cứu về biển. Bố trí hợp lý, tổ chức sử dụng tốt hơn, với hiệu quả cao hơn đội ngũ cán bộ khoa học và kĩ thuật hiện có. Tập hợp lực lượng theo phương thức chương trình mục tiêu, xây dựng những tập thể khoa học đồng bộ, có năng lực để giải quyết những vấn đề khoa học và kĩ thuật quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển khoa học và kĩ thuật về biển, phát triển kinh tế và xã hội vùng biển. Chú trọng tăng cường cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực thực hành giỏi, có năng lực tổ chức và quản lí việc triển khai những thành tựu khoa học và tiến bộ kĩ thuật và sản xuất cho các ngành quan trọng, cho các địa phương ven biển, nhất là cấp huyện và cơ sở. Cần có chính sách khuyến khích, có chế độ và biện pháp cần thiết đối với cán bộ KHKT, công nhân kĩ thuật làm việc ở vùng biển, nhất là trên mặt biển và trên các hải đảo.

Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế và xã hội vùng biển, chiến lược phát triển khoa học và kĩ thuật về biển mà nghiên cứu quy hoạch và kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT và công nhân kĩ thuật về biển. Hình thành từng bước một đội ngũ có phẩm chất, có năng lực với cơ cấu đồng bộ và cân đối về ngành nghề, về trình độ chuyên môn, về loại hình và lứa tuổi, phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn. Cần xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật về biển một cách có hệ thống: đào tạo cán bộ trên đại học cả trong nước và ngoài nước, đào tạo cán bộ đại học và trung cấp, giáo dục và đào tạo trong các trường phổ thông và các trường dạy nghề, nhất là các trường phổ thông ở vùng ven biển, ở các tỉnh và thành phố có biển. Cần đặc biệt chú trọng việc đào tạo và bồi dưỡng các ngư dân có kinh nghiệm, lực lượng lao động kĩ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề. Ban hành các chế độ và chính sách khuyến khích việc nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn kĩ thuật.

Cần có kế hoạch thường xuyên đổi mới và mở rộng lực lượng lao động khoa học và kĩ thuật về biển, nâng cao khả năng cơ động nghề nghiệp, khả năng thích ứng nhanh chóng của đội ngũ cán bộ khoa học và kĩ thuật trước những phương hướng mới của sự phát triển khoa học và kĩ thuật về biển và đại dương.

Trong lĩnh vực tổ chức hệ thống các cơ quan khoa học và kĩ thuật về biển, trước hết, cần sớm củng cố và kiện toàn các tổ chức hiện có. Việc xây dựng tổ chức mới cần được xem xét trong mạng lưới tổ chức khoa học và kĩ thuật chung, nhưng cũng cần được xem xét tích cực và khẩn trương.

Trước mắt, cần nhanh chóng kiện toàn các viện, phân viện, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu - triển khai, đào tạo cán bộ KHKT và công nhân kĩ thuật về biển. Cần xây dựng Trạm nghiên cứu biển Hải Phòng thành một Phân viện, xây dựng khoa Hải dương học ở các trường đại học như Đại học Thủy sản, Đại học Tổng hợp và một số trường đại học khác có liên quan đến biển.

Cần nghiên cứu quy hoạch xây dựng hệ thống các cơ quan nghiên cứu - triển khai, quản lý và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật về biển. Thực hiện nguyên tắc phân công hợp lý về chức năng và nhiệm vụ, kết hợp chặt chẽ tổ chức và quản lý theo ngành với tổ chức và quản lý theo lãnh thổ, sắp xếp hợp lý các cơ quan nghiên cứu - triển khai theo từng vùng lãnh thổ, tạo điều kiện cho sự phối hợp liên ngành, đảm bảo tính đồng bộ trong các hoạt động từ nghiên cứu đến sản xuất. Từng bước xây dựng các liên hiệp khoa học - sản xuất, các tổ hợp hoặc trung tâm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất ở các ngành hoặc các vùng kinh kế, các địa phương để sử dụng có hiệu quả tiềm lực khoa học và kĩ thuật, rút ngắn thời gian đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Trong điều kiện nguồn vốn và vật tư - kĩ thuật có hạn, cần nghiên cứu một chính sách đầu tư thích hợp trên cơ sở quy hoạch hợp lý hệ thống nghiên cứu - triển khai và đào tạo. Lĩnh vực điều tra nghiên cứu thăm dò, khai thác biển và tài nguyên biển đòi hỏi trình độ khoa học cao, nguồn tài chính lớn và kĩ thuật hiện đại. Cần đầu tư tập trung có trọng điểm trong từng thời kỳ nhằm tăng cường từng bước tiềm lực thông tin, trang thiết bị và cơ sở vật chất - kĩ thuật cho các hoạt động KHKT.

Đến dự Hội nghị lần này, các đồng chí đều tỏ nguyện vọng làm sao tập hợp lực lượng lại, có sự phối hợp chặt chẽ và trên những lĩnh vực nhất định có sự chỉ đạo thống nhất và quản lý tập trung, nhanh chóng xây dựng được một tiềm lực khoa học và kĩ thuật biển đủ mạnh để thực hiện chiến lược làm chủ biển.

Chắc rằng, các đồng chí sẽ đồng ý với ý kiến của tôi về một số công việc cần triển khai ngay sau Hội nghị:

Một là, giao cho Tiểu ban chỉ đạo Hội nghị Khoa học Biển tiếp tục hoạt động một thời gian nữa cho đến khi ra được văn bản cuối cùng trình Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cần kíp về biển, nhất là vấn đề quản lý.

Hai là, với sự mở rộng tầm nhìn đối với vấn đề biển, cần tiếp tục triển khai tích cực công tác nghiên cứu dự báo chiến lược khoa học và kĩ thuật về biển.

Vừa qua, chúng ta đã xây dựng xong một bước bản dự báo tổng hợp về chiến lược khoa học và kĩ thuật đến năm 2000 nhằm phục vụ việc xây dựng chiến lược kinh tế, xã hội và kế hoạch 5 năm 1986-1990. Bản này được soạn thảo trên cơ sở các kết quả dự báo dài hạn của trên hai mươi nhóm nghiên cứu dự báo chiến lược khoa học và kĩ thuật được lập ra theo Nghị quyết số 119-HĐBT, trong đó có nhóm nghiên cứu chiến lược về kinh tế biển. Tài liệu nghiên cứu bước một của nhóm dự báo chiến lược về biển nói chung là tốt, làm khá công phu nhưng nội dung chủ yếu mới đi sâu vào ngành hải sản. Căn cứ vào tinh thần và nội dung của Hội nghị Khoa học về Biển lần này, cần tổ chức chỉ đạo tốt việc triển khai bước hai, xây dựng dự báo chiến lược khoa học kĩ thuật đầy đủ hơn về các lĩnh vực khác nhau của biển. Đó sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế và xã hội vùng biển, đồng thời là cơ sở để xây dựng và phát triển tiềm lực của nước ta trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật về biển.

Ba là, giao cho Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước nghiên cứu một đề án về chương trình điều tra nghiên cứu tổng hợp về biển và dự thảo hệ thống chương trình khoa học và kĩ thuật Nhà nước trọng điểm có mục tiêu về biển. Cần triển khai sớm để có thể đưa vào kế hoạch 5 năm 1986-1990 ít nhất một số hạng mục về tổ chức, cán bộ, đầu tư…

Bốn là, nghiên cứu đề án về xây dựng tiềm lực về khoa học và kĩ thuật về biển, xây dựng nền khoa học và kĩ thuật về biển của nước ta. Vấn đề này cũng do Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước chủ trì, có sự tham gia của Viện Khoa học Việt Nam, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và một số bộ, ngành khác trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến biển.

Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực biển và tài nguyên biển, cần nghiên cứu việc thành lập một tổ chức chỉ đạo thống nhất, quản lý tập trung các vấn đề về biển, điều hòa phối hợp các hoạt động có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp trên biển và tài nguyên biển. Có thể là một Ủy ban quốc gia về Biển. Nhiều nước hiện đều có một tổ chức chức năng tương tự như vậy, nước ta cũng cần có. Vừa qua, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Tài nguyên và Môi trường. Có thể nghiên cứu thành lập riêng Ủy ban về Biển hay kết hợp về tổ chức và chức năng với Ủy ban Tài nguyên và Môi trường.

Tóm lại, Hội nghị Khoa học về Biển lần này cho thấy vấn đề biển rất rộng lớn, phong phú, rất quan trọng. Tuy nhiên, kết quả hoạt động và lực lượng làm công tác về biển của ta đã ít lại rất phân tán.

Nói chung, tinh thần Hội nghị là phấn khởi, tin tưởng. Nhưng, kết quả của Hội nghị còn tùy thuộc ta sẽ làm những gì sau Hội nghị này.

Làm chủ biển và tài nguyên biển cực kỳ khó khăn và cũng cực kỳ quan trọng. Cần xây dựng tác phong nói đi đôi với làm, nói ít và làm nhiều. Cũng có việc làm mà không nói. Mỗi ngành phải thấy hết trách nhiệm của mình, xác định những vấn đề trọng điểm cần làm và chủ động triển khai.

Dưới ánh sáng Nghị quyết các Đại hội lần thứ IV và thứ V của Đảng, Nghị quyết các Hội nghị TW, chúng ta tin rằng, với sự phát huy tinh thần làm chủ tập thể, năng động, sáng tạo, nhân dân lao động và đội ngũ cán bộ khoa học, kĩ thuật nước ta nhất định có đầy đủ khả năng để thực hiện tốt chiến lược tăng cường quyền làm chủ trên biển, biển Đông và cả đại dương theo những quy định của luật pháp quốc tế.

Chúng ta nhất định sẽ tạo ra được sự chuyển biến mới trong các hoạt động khoa học và kĩ thuật về biển, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội vùng biển.

Chúng ta và các thế hệ Việt Nam mai sau có trách nhiệm xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của chúng ta trở thành một nước giàu mạnh, nói như vậy có nghĩa là một nước giàu mạnh cả trên đất liền và trên biển.

Với tinh thần ấy, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng, tôi chúc Hội nghị của chúng ta và nhất là những việc chúng ta sẽ làm sau Hội nghị thành công tốt đẹp.

Bài đăng trên các số 1, 2, 3, 4 năm 1985-1986, Tạp chí Thủy sản của Bộ Thủy sản (cũ)

(Chúng tôi cảm ơn Thư viện Bộ NN&PTNT đã cung cấp bản lưu trữ tài liệu này)

Vietfish.org
Đăng ngày 12/10/2013
Kinh tế

Xuất khẩu một tháng trở lại tỷ đô sau 27 tháng

Tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần đầu tiên sau 27 tháng kể từ tháng 6/2022 đã trở lại mức tỷ đô một tháng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái với các mặt hàng chủ lực và các thị trường chính đều tăng.

Tôm thẻ
• 10:00 25/11/2024

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Chuyển đổi xanh trong ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm đông lạnh, không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hành trình này đang gặp nhiều rào cản lớn liên quan đến chi phí, cơ sở hạ tầng và quản lý năng lượng.

Chế biến tôm
• 10:29 21/11/2024

Cua ghẹ Việt Nam tăng trưởng ấn tượng khi hút hàng tại Trung Quốc

Xuất khẩu cua ghẹ và các loại giáp xác khác của Việt Nam đang có sự bứt phá ngoạn mục trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc. Số liệu từ tháng 9/2024 cho thấy, ngành hàng này tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Ghẹ
• 09:34 20/11/2024

Xuất khẩu cua ghẹ và nhuyễn thể tiếp tục tăng từ đầu năm đến nay

Ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu, đặc biệt đối với nhóm sản phẩm cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt mức ấn tượng trong tháng 10/2024, với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhuyễn thể
• 11:14 18/11/2024

Loài tảo mới làm thức ăn cho cá tôm

Các nhà nghiên cứu Philippines tại Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á (SEAFDEC/AQD) đang thử nghiệm “tảo spaghetti”, có tên khoa học là Chaetomorpha linum, trong thành phần thức ăn cho cá và tôm nhằm giảm chi phí thức ăn thủy sản.

Tảo
• 05:11 27/11/2024

Thực hư trị bệnh EHP trong nuôi tôm

EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) là một loại vi khuẩn ký sinh nội bào gây bệnh nghiêm trọng trên tôm nuôi. Loại vi khuẩn này làm suy giảm khả năng tiêu hóa và tăng trưởng của tôm, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi.

Tôm bệnh EHP
• 05:11 27/11/2024

Tiềm năng phát triển nghề nuôi hải sâm tại Bình Định

Hải sâm hay còn có tên gọi khác là đỉa biển hay sâm biển là một loài động vật biển chuyên ăn các loại xác chết của các loài động vật khác, vì lý do đó nên chúng còn thường được gọi là "Lao công của biển cả".

Hải sâm
• 05:11 27/11/2024

Bình Định tiếp tục hỗ trợ chi phí nguyên liệu cho 07 tàu cá trong đợt bổ sung năm 2023

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa có quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 05/11/2024 phê duyệt đợt bổ sung năm 2023 cho các tàu cá được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tàu thuyền
• 05:11 27/11/2024

Chứng nhận ASC cho 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân

Ngày 21/11/2024, ở xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau), 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân được tổ chức Bureau Veritas trao chứng nhận ASC và đây là chứng nhận ASC nhóm cho tôm-rừng đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tôm rừng
• 05:11 27/11/2024
Some text some message..