“Khát” nước mặn
Hàng năm, cứ đến thời điểm này, nông dân ở các vùng chuyên nuôi tôm thuộc huyện Giá Rai (Bạc Liêu) lại lo thiếu nước sản xuất. Cái nắng gay gắt trong những ngày qua gần như vắt kiệt nước dự trữ trong các đầm tôm và cũng sinh rong tảo dày đặc làm con tôm trở nên khó thở. Nhiều nơi tôm nuôi bắt đầu chết hàng loạt, vì không thích nghi được với môi trường thay đổi đột ngột.
Thiếu nước tôm chết nên nhiều hộ đã chủ động xả nước, phơi ao chờ điều kiện để lấy nước mới vào, và kênh thủy lợi công cộng cũng trở thành nơi xả nước bị ô nhiễm này. Cái vòng lẩn quẩn giữ nước sạch, nước bị ô nhiễm cứ thay nhau chảy lòng vòng và gánh lấy hậu quả không ai khác ngoài các hộ nuôi tôm.
Huyện Giá Rai có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 20.300ha, đến nay bà con đã thả nuôi trên diện tích gần 18.700ha (trong đó diện tích bị thiệt hại hơn 500ha). Nếu tình trạng tôm “khát” nước tiếp tục kéo dài, thì diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tăng cao sẽ là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó, tại Cà Mau, dọc theo tuyến lộ từ thị trấn U Minh đi Khánh Hội hiện không ít hộ dân tự đưa nước mặn vào nuôi tôm, một số khác đưa cơ giới vào đào đắp bờ bao khuôn hộ sẵn sàng cho nước vào bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, tuyến kinh Xáng Mới, thuộc địa bàn xã Khánh Hội, đang là điểm nóng trong việc người dân vùng lúa 2 vụ chuyển sang vụ lúa - vụ tôm. Đã có trên 50 hộ dân trong tổng số 148 hộ đang sinh sống nơi đây lên bờ bao khuôn hộ đòi mở cống đưa nước mặn vào nuôi tôm. Hiện lực lượng chức năng phải cho người túc trực ngày đêm để tránh tình trạng người dân phá cống.
Không chỉ gây áp lực lên chính quyền địa phương, việc một số hộ dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm hiện đang tạo ra mâu thuẫn ngày một tăng giữa người trồng lúa và người nuôi tôm.
Ông Huỳnh Văn Đấu, ấp 1, xã Tân Lộc (Thới Bình, Cà Mau) bộc bạch: Gia đình chỉ sống nhờ vào 3 công vườn và 2 công ruộng. Trước kia mỗi tháng thu nhập từ dừa, xoài cũng được trên 1 triệu đồng. Nhưng giờ đây dừa đã bị tóp ngọn, không còn trái, xoài thì có nguy cơ bị chết vì nước mặn.
Lúng túng điều tiết nước
Tương tự ở Thới Bình, trên vùng ngọt ở các huyện Phước Long, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), nơi cây lúa giữ vai trò quan trọng trong kinh tế của nông dân, nhiều nơi đang đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn qua Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lúa hè thu sắp tới với diện tích hơn 3.000ha của nông dân ở các huyện Phước Long và Vĩnh Lợi.
Trong khi đó, tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm mỗi lúc một nhiều trên những vùng sản xuất lúa 2 vụ ở Cà Mau, một phần do có sự chênh lệch thu nhập quá lớn giữa con tôm và cây lúa, mặt khác là do việc triển khai thực hiện quy hoạch còn quá chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất bền vững so với thực tế.
Là khu vực nằm trong vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau đã được phê duyệt quy hoạch, nhưng hiện nay việc khép kín hệ thống 23 cống thủy lợi từ tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu để dẫn nước ngọt từ hệ thống sông Hậu về phục vụ sản xuất còn quá chậm. Trong khi toàn bộ các tuyến kinh Cà Mau hầu như vào mùa khô đều mặn. Từ đó, việc tự ý chuyển đổi sang nuôi tôm mỗi lúc một nhiều và phức tạp hơn.
Có thể thấy “bài toán điều tiết nước trong mùa khô” của 2 vùng mặn, ngọt đặt ra cho người dân và ngành nông nghiệp vùng bán đảo Cà Mau không ít khó khăn. Để giải quyết tranh chấp mặn, ngọt cho hai vùng sản xuất được điều hòa trong điều kiện hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ không phải là chuyện dễ.
Người dân có đủ lý do để giải thích cho việc mình làm, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm cách giải quyết và thực tế là vùng lúa 2 vụ của Cà Mau đang đứng trước nguy cơ mất dần qua từng ngày. Tình trạng đó không chỉ đẩy những quy hoạch trong sản xuất đứng trước nguy cơ bị phá vỡ mà còn tạo ra mâu thuẫn ngày một sâu sắc trong nội bộ nông dân.