Từ sản phẩm con tôm trong tự nhiên, nhiều năm qua, người dân xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) đã sáng tạo ra sản phẩm ẩm thực bánh phồng tôm mang đậm hương vị đặc thù vùng rừng ngập ven biển.
Với hình thức sản xuất ban đầu là thủ công, nhỏ lẻ, nghề làm bánh phồng tôm hiện nay đã hình thành nên những hợp tác xã, tổ hợp tác, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chủ yếu là áp dụng và cải tiến thiết bị máy móc, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và tăng tính cạnh tranh.
Sản phẩm bánh phồng tôm Hàng Vịnh không những cung ứng trên thị trường trong cả nước, vào các siêu thị, mà còn xuất sang các nước lân cận với sản lượng hàng chục tấn/ tháng, trở thành sản phẩm quà tặng giá trị, mang đậm hương vị quê hương.
Đối với ba khía Rạch Gốc, chủ yếu là từ nghề muối con ba khía đã nổi danh từ rất lâu, trở thành món ăn truyền thống mang đậm hương vị xứ biển Cà Mau. Và mới đây, nghề này được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Hấp dẫn món ba khía trộn. Ảnh: Huỳnh Lâm.
Điểm chung của 2 nhãn hiệu nêu trên là sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, hình thành nên làng nghề truyền thống, giải quyết lao động tại chỗ, tạo ra sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng nông thôn mới…
Dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau” và “Ba khía Rạch Gốc - Cà Mau” là một trong 3 chương trình khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2025, được UBND tỉnh phê duyệt, với mỗi chương trình dự kiến có nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này (2021 - 2025), Cà Mau còn triển khai 2 dự án, 7 đề tài khoa học và công nghệ.