Giống nhiều chợ nổi khác ở ÐBSCL, chợ nổi Cái Răng được hình thành bởi nhu cầu trao đổi hàng hoá khi mà đường bộ chưa phát triển. Tuy nhiên, ngày nay, dù hệ thống giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển sầm uất như một phần tất yếu của kinh tế lẫn du lịch miền Tây sông nước.
Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6 km. Ðây được xem là chợ đầu mối của buôn bán, trao đổi hàng hoá, nhu yếu phẩm. Trong đó, phần lớn là các loại nông sản của vùng Tây Nam Bộ. Ở đây, người dân tụ tập lại trên sông rồi giao dịch.
Thời gian hoạt động của chợ nổi Cái Răng phần lớn khoảng từ 5 giờ sáng mỗi ngày. Người dân sử dụng ghe, xuồng chở các mặt hàng nông sản do mình trồng được đem đến đây để bán cho các thương lái. Thương lái thu mua hàng hoá từ nông dân rồi chở đi khắp vùng miền Tổ quốc, có khi sang cả Campuchia và Trung Quốc để tiêu thụ.
Du khách đến TP Cần Thơ chắc chắn sẽ không bỏ qua việc tham quan chợ nổi Cái Răng. Chính vì thế, để gìn giữ bản sắc văn hoá đặc trưng của người dân sông nước miền Tây, chính quyền TP Cần Thơ đang khẩn trương phối hợp xây dựng Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng.
Ngày hội Du lịch chợ nổi Cái Răng được tổ chức lần đầu tiên trong 2 ngày (8-9/7) vừa qua cũng không ngoài mục đích đó./.
Chợ nổi đã trở thành một thương hiệu du lịch, là điểm đến hấp dẫn, đặc sắc của TP Cần Thơ. Nơi đây được nhiều du khách quốc tế lựa chọn là điểm đến trong các chuyến du lịch về miền Tây Nam Bộ.
Len lỏi giữa mua bán hàng hoá của người dân, du khách sẽ dạo quanh để chụp hình và thưởng thức những món ăn do người dân vùng sông nước chế biến, như bánh, phở, hủ tiếu, cà phê…
Chợ nổi hoạt động tấp nập từ mờ sáng với nhiều loại thuyền bè lớn, nhỏ xuôi ngược.
Khu vực chợ nổi Cái Răng luôn có số lượng ghe, thuyền neo đậu, mua bán nông sản rất đông, việc mua bán trao đổi hàng hoá nhộn nhịp.