Để bảo vệ nguồn lợi và đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp với Viện Hải dương học thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhum biển ở tỉnh Quảng Ngãi”.
Trữ lượng nhum sọ khoảng 5,7 triệu con
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở vùng biển ven bờ huyện Bình Sơn và TX.Đức Phổ có khoảng 100 ghe câu, cào ốc nhỏ khai thác nhum sọ. Trung bình mỗi ghe đánh bắt hơn 300 con nhum/ngày. Riêng tại huyện Lý Sơn, các khu vực khai thác nhum sọ tập trung quanh đảo. Kết quả điều tra cho thấy, ở Lý Sơn hiện có hơn 150 người dân khai thác nhum sọ, chủ yếu vào mùa hè. Số lượng nhum tiêu thụ mỗi ngày (chủ yếu cho khách du lịch) lên đến hàng nghìn con. Điều đó cho thấy, ngư dân đang khai thác thủy sản theo kiểu mạnh ai nấy làm và khai thác một cách quá mức, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ đang suy kiệt đến mức báo động.
Thạc sĩ Nguyễn Phi Uy Vũ - Viện Hải dương học cho biết, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành 3 chuyến khảo sát ở vùng biển Quảng Ngãi, xác định được mật độ phân bố của nhum sọ ở vùng biển của tỉnh, trung bình đạt 98 con/1.000m², cao nhất là ở vùng biển Lý Sơn, bình quân 132 con/1.000m². Dựa vào phương pháp diện tích và số liệu khảo sát trong vùng nghiên cứu, chúng tôi xác định được trữ lượng của nhum sọ ở vùng biển Quảng Ngãi ước tính vào khoảng 5,7 triệu con. Trong đó, vùng biển Lý Sơn có trữ lượng gần 3 triệu con, vùng biển huyện Bình Sơn 1 triệu con, vùng biển TX.Đức Phổ khoảng 1,6 triệu con.
Khai thác nhum sọ chủ yếu phục vụ du khách. Ảnh: kazachkagd
Nuôi thử nghiệm cho hiệu quả
Từ kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh thái của nhum sọ tại vùng biển Quảng Ngãi, đề tài đã xây dựng mô hình nuôi nhum sọ tại hộ ông Huỳnh Ngọc Thảo, ở thôn Đông An Hải (Lý Sơn). Giàn bè có diện tích 50m2, gồm 54 lồng, được tận dụng từ bè nuôi cá bớp. Lồng nuôi được thiết kế hình chữ nhật dài 60cm, rộng 40cm, sâu 2m. Số lượng nhum thả nuôi thử nghiệm 2.000 con. Con giống được thu ngoài tự nhiên có kích cỡ 2 - 4mm. Sau 8 tháng nuôi, nhum phát triển tốt, chưa phát hiện bệnh, nên không tốn chi phí thuốc phòng trị bệnh. Trọng lượng trung bình của nhum nuôi sau 10 tháng đạt 115,3 ± 13,1g, tỷ lệ sống đạt 86%.
Ông Huỳnh Ngọc Thảo cho biết, sau thời gian thả nuôi, nhum thích nghi với môi trường giàn bè và phát triển tốt, nguồn thức ăn chủ yếu là rong mơ. Hiện giá thành mỗi con nhum thành phẩm từ 10 - 20 nghìn đồng/con. Thịt nhum thành phẩm có giá bán từ 250 - 300 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, mô hình lãi khoảng 35 - 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, nên một số ngư dân tính đóng thêm bè để nuôi nhum, vì con giống dễ mua, thức ăn cũng dễ tìm, mà lại không tốn nhiều thời gian chăm sóc.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành, qua thực hiện mô hình cho thấy, việc nuôi và phát triển con nhum mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhum phát triển tương đối khá, chất lượng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Phát triển mô hình nuôi nhum sọ thương phẩm sẽ giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản của địa phương.
Để khai thác nhum được bền vững
Thạc sĩ Nguyễn Phi Uy Vũ cho biết, tại vùng biển Lý Sơn nói riêng và vùng biển ven bờ của Quảng Ngãi nói chung, việc khai thác các cá thể nhum sọ nhỏ, chưa đến tuổi trưởng thành còn khá phổ biến. Vì vậy, để bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi nhum sọ, đề tài đề xuất một số giải pháp như: Phân vùng bảo vệ, phát triển nhum sọ ở vùng biển, trong đó vùng khai thác hợp lý, với kích thước khai thác nhum sọ trên 63,39mm (đường kính vỏ). Vùng bảo vệ theo mùa (từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm - mùa sinh sản cao điểm của nhum sọ), thời gian còn lại trong năm cần hạn chế khai thác, nhằm đảm bảo sự tái tạo đàn, phát triển của nhum con. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác nhum sọ ở khu vực này trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm, nhằm duy trì nguồn nhum sọ bố mẹ, nhum giống phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn.
Bên cạnh đó, đề tài còn khuyến khích triển khai nhân rộng mô hình nuôi nhum sọ thương phẩm ở những vùng biển phù hợp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn nghiên cứu sản xuất giống nhum sọ, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn giống nuôi thương phẩm và phục hồi tái tạo nguồn lợi. Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng nguồn lợi nhum sọ một cách hiệu quả...