Nhiều hộ bỏ nghề
Theo thống kê của Trạm Thủy sản huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay số lồng, bè còn thả nuôi chỉ trên 30 cái, đa số hộ nuôi duy trì từ 1-2 bè cá. Nhiều hộ sau đợt biến động về giá cá bị thua lỗ không có khả năng nuôi lại, thậm chí còn mang nợ vì vay tiền đầu tư làm lồng, bè, mua con giống, thức ăn thủy sản…
Bà Lê Thanh Kiều, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, từng khá tâm huyết với nghề nuôi cá lồng, bè trên sông. Thời điểm thuận lợi, bà từng có 6 bè cá trên nhánh sông Cái Cui. Nhưng từ năm ngoái, giá cả một số loại cá nuôi như thát lát, điêu hồng, cá lóc… xuống thấp, kéo theo đó là nhiều hộ nuôi cá bị thua lỗ, bà Kiều cũng nằm trong số đó. Bà tâm sự: “Năm ngoái, tôi lỗ cá thát lát rất nhiều, vì thời điểm đó thức ăn hơn 300.000 đồng/bao mà giá cá bán ra chỉ có 35.000 đồng/kg”. Sau khi bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư bè cá, năm nay bà đã bán bớt, chỉ giữ lại 2 bè nuôi cá điêu hồng. Tuy nhiên, bà thả nuôi số lượng ít và xuất bè đợt này dự định sẽ không tiếp tục thả nuôi nữa. Ngoài ảnh hưởng từ những biến động thị trường dẫn đến thua lỗ, việc thiếu người lao động tại chỗ hiện nay cũng là một khó khăn làm bà Kiều e ngại khi muốn duy trì việc nuôi cá.
Bà Kiều là một trong số nhiều trường hợp không có đất sản xuất nông nghiệp và đã lớn tuổi, không có điều kiện đi làm ăn xa nên chỉ còn trông chờ vào bè cá. Một số hộ nuôi ở cùng nhánh sông Cái Cui cũng tỏ ra tiếc nuối về một thời nhánh sông từng nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm mà giờ thì lồng, bè thưa thớt, do hầu hết người dân đã bán hết hoặc chỉ giữ 1-2 cái, vì nuôi bị thua lỗ.
Chỉ nuôi cầm chừng
Ông Mai Hoàng Thông, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, là một trong số ít hộ nuôi vẫn duy trì hình thức nuôi cá lồng, bè trên sông trong 3 năm qua. Năm nay, ông Thông chỉ thả nuôi cá điêu hồng theo hình thức nuôi xoay vòng chứ không nuôi đồng loạt tất cả các bè. Theo kinh nghiệm của mình, ông Thông chia sẻ: “Năm nay, tình hình cũng không mấy thuận lợi cho việc nuôi cá điêu hồng vì nước đục về sớm, nếu cá còn nhỏ dễ bỏ ăn, gây hao hụt. Thời tiết diễn biến khá thất thường, nắng mưa xen kẽ nên phải chủ động thả nuôi mật độ thưa để hạn chế bệnh trên cá và giảm được chi phí thức ăn. Mùa lũ về còn phải lo tăng cường gia cố bè cá, mỗi bè đều cột dây nối vào bờ để giữ an toàn khi có nước chảy xiết”. Ông Thông còn cho biết giá con giống năm nay cũng tăng hơn mọi năm, chi phí đầu tư một bè từ 40-50 triệu đồng, nhưng rủi ro khá cao, sau 1-2 đợt rớt giá dễ bị đứt vốn. Gia đình nhờ làm vườn phụ thêm đồng vốn vào bè cá, nếu tình hình không thuận lợi thì cũng nghỉ nuôi luôn.
Nghề nuôi cá lồng, bè tạo sinh kế cho những lao động tại chỗ, không có đất sản xuất, tuy nhiên phương thức này không được khuyến khích ở một số nơi do cản trở lưu thông đường thủy và ảnh hưởng đến môi trường nước mặt nếu người nuôi không tuân thủ các quy tắc về khoảng cách giữa các bè, mật độ thả nuôi và loại thức ăn… Đồng thời, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi môi trường nước thay đổi, mưa lũ, sức ép về giá cả, thị trường đầu ra...
Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Đơn vị đang chuẩn bị trình Hội đồng thẩm định thông qua dự án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Hậu Giang đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, trong đó bao gồm hình thức nuôi cá lồng, bè trên sông. Đối với các hộ còn thả nuôi hiện nay, nhất là những hộ nằm trong khu vực có nhiều nhà máy đang hoạt động cần quan tâm, theo dõi sát môi trường nuôi, kịp thời thông tin đến ngành chức năng khi có những diễn biến bất thường để có biện pháp xử lý. Ngành thủy sản cũng đã có khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp gia cố phao, dây, vệ sinh lồng, bè sạch sẽ để phòng bệnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin tình hình mưa bão, mực nước trên các tuyến sông nhằm chủ động bảo vệ đàn cá nuôi, tránh thiệt hại, thất thoát trong mùa lũ.