Tiếp nhận bức xúc của nhiều người dân xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh), ngày 22.7, PV Báo Lao Động có mặt tại khu vực rừng phi lao ven biển có tên cửa Ngâm (thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam) chứng kiến hàng trăm cây phi lao vừa bị đốn hạ chỉ còn phần gốc.
Trong đó, nhiều cây lớn có đường kính gốc khoảng 40 - 50 cm. Những thân cây sau khi đón hạ, đã được người của Cty Grobest cắt gọn thành nhiều khúc tập trung một đống lớn bên ven QL 1A để di chuyển đi nơi khác. Theo một người dân, vài ngày trước họ thấy ôtô tải lớn đến bốc chở gỗ phi lao ở đây đi theo hướng ra Bắc.
Thấy PV tiếp cận chụp ảnh, một người xưng cán bộ của Cty Grobest (trụ sở TP. HCM) đến cản trở không cho vào khu vực rừng phi lao vừa chặt hạ. Một lúc sau, xuất hiện thêm 2 người đến xưng là cán bộ của Đồn Biên phòng Đèo Ngang mời về Đồn làm việc, xuất trình giấy tờ.
Lý do người này đưa ra là không được tự tiện vào xã biên giới. Nhóm PV yêu cầu chứng minh xã Kỳ Nam là xã Biên giới, thì người này nói biên giới ven biển. Sau một lúc tranh luận, thấy đuối lý, người đàn ông đó và người xưng đại diện của Cty Grobest đành chấp nhận để nhóm PV tác nghiệp.
Bà Lê Thị Khoa (57 tuổi, trú thôn Minh Huệ) đang đi mót những nhánh phi lao nhỏ xíu sót lại trên một vùng rừng phi lao vừa bị đốn hạ về làm củi, bức xúc - cho biết, cánh rừng phi lao vừa bị chặt hạ này đã được thế hệ ông cha trồng cách nay khoảng 100 năm với mục đích để chắn sóng, chắn cát, mưa, bão che chở cho xóm làng.
"Bình thường chúng tôi ra chặt cành nhỏ về làm củi đã bị công an xã phạt nặng. Thế mà giờ cho doanh nghiệp dùng cưa cắt ngang gốc. Tới đây mưa bão về, chúng sẽ phải chống chọi thế nào", - bà Khoa bức xúc nói. Không riêng gì bà Khoa, rất nhiều người dân khác đều bày tỏ ra bất bình trước việc rừng phi lao ven biển của xã bị chặt hạ đe dọa đến an nguy của dân khi mưa bão về.
Đường kính của những thân cây khá lớn, theo người dân đã trồng được gần 100 năm tuổi. Ảnh: Trần Tuấn
Ông Đặng Đình Dích - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam - cho biết, theo chủ trương của tỉnh, của BQK Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, Cty Grobest được đồng ý cho thực hiện Dự án nuôi tôm, cá bơn, cá mú với diện tích 159 ha trên địa bàn xã Kỳ Nam. Trong đó, một phần đất có rừng phi lao ven biển. Với việc lấy đất có rừng phi lao, người dân và chính quyền xã đã phản đối rất mạnh.
Xã yêu cầu giữ lại 30m rừng phi lao tính từ hành lang chắn sóng vào để bảo vệ dân cư. Tuy nhiên, trong ngày 17 và 18.7, khi xã đang tiếp xúc cử tri thì Cty Grobest tiến hành chặt rừng phi lao. Sự việc khiến người dân bức xúc ra ngăn cản. Ngay sau đó, xã đã ra kiểm tra và đình chỉ việc chặt cây vì đã chặt vi phạm vào phần yêu cầu giữ lại 30m tính từ hành lang chắn sóng.
Một thân gỗ phi lao lớn bị đốn hạ xẻ dọc ra. Ảnh: Trần Tuấn
"Hiện chúng tôi đã báo cáo lên thị xã về việc dân không đồng tình cho chặt rừng phi lao phòng hộ ven biển để thực hiện dự án. Chúng tôi cũng đề nghị kiên quyết không được phá rừng phòng hộ vì để chắn gió, bão. Nếu chặt sẽ ảnh hưởng đến toàn dân cư của xã, ảnh hưởng đến sản xuất" - ông Dích nói.