Nuôi tôm công nghiệp trong khu dân cư
P.Hải Thanh (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) là địa phương ven biển chật hẹp nhưng có dân số gần 20.000 người và sinh sống bằng nghề đi biển, chế biến hải sản. Những ngày nắng nóng, về Hải Thanh ai cũng ngửi thấy mùi các loại hải sản chế biến, mùi mắm. Gần đây, người dân nhiều thôn còn chịu thêm cảnh ô nhiễm nguồn nước thải, ô nhiễm tiếng ồn từ hơn 70 hộ dân sử dụng đất ở để làm ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu công nghiệp, dù địa bàn P.Hải Thanh không có quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp.
Men theo tuyến đê biển qua các thôn Thượng Hải, Thanh Đông, Thanh Xuyên (P.Hải Thanh), không khó để nhận ra hàng loạt ao nuôi tôm nằm trong các khu dân cư chật hẹp. Phần lớn các hộ dân sử dụng đất ở, đất vườn của gia đình để làm ao nuôi. Ao nuôi được đào sâu 2 - 3 m, xây tường rào bao quanh, sau đó trải trải bạt lót đáy rồi bơm nước mặn vào để nuôi tôm. Các ao rộng từ 400 - 600 m2, có ao chỉ hơn 100 m2.
Để nuôi tôm, phải dùng máy quạt nước suốt ngày đêm để sục khí, gây ô nhiễm tiếng ồn. Mỗi ao cũng thải ra môi trường hàng chục mét khối nước thải mỗi ngày, nước này bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc nuôi tôm cũng xâm hại mái chắn sóng của đê biển Hải Thanh, do các hộ đập phá, đục thủng đê để lắp ống hút nước mặn từ biển vào ao.
Đặc biệt, việc nuôi tôm ngay trong khu dân cư đông đúc đang gây ra tình trạng xâm nhập mặn, đe dọa nguồn nước ngầm ở đây, do nước mặn trong các ao nuôi thấm xuống đất.
"Trúng đậm nên nhiều người nuôi"
“Không biết học hỏi ở đâu mà gần đây nhiều hộ tự dưng về đào ao nuôi tôm ngay trong sân vườn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng xóm. Tiếng máy sục nước tạo ô xy, rồi nước thải từ ao nuôi khiến cho cuộc sống ở đây đã ngột ngạt, nay càng nghiêm trọng hơn”, một người dân P.Hải Thanh nói.
Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND P.Hải Thanh, thừa nhận chính quyền địa phương đã không ngăn chặn được tình trạng nuôi tôm tự phát của người dân đang nở rộ, vi phạm các quy định của pháp luật.
“Ở Hải Thanh không có quy hoạch vùng nuôi tôm. Nhưng năm 2017 có 1 hộ dân tự đi học hỏi về rồi đào ao nuôi tôm. Đến năm 2018, thêm 4 hộ. Đáng chú ý, khi thấy nuôi tôm trúng đậm, thì từ tháng 6.2019 đến nay, đã có tới 71 hộ tự đào ao nuôi tôm ở 77 vị trí khác nhau, chủ yếu là trên đất ở của gia đình. Các hộ nuôi tôm đã vi phạm quy hoạch chung của địa phương, vi phạm luật Đê điều và chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho biết thêm, hiện tại do có quá nhiều hộ nuôi tôm, với số tiền đầu tư lớn, lên đến hàng tỉ đồng mỗi hộ, nên chính quyền không thể dừng ngay được. UBND P.Hải Thanh đã phải “cầu cứu” UBND TX.Nghi Sơn, để xin ý kiến và phương hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới.