San sát 2700 lồng nuôi tôm hùm, vượt quá quy định của bộ NN&PT Nông thôn tới 1000 lồng mật độ giữa các ô lồng chỉ cách nhau vài chục cm.
Dồn sức làm lại 70 lồng nuôi tôm hùm ngay sau bão nhưng nay, ông Trung (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa) rất lo vì đã có hàng nghìn ô lồng mới dựng quá dày quanh khu nuôi của ông. Đáng ngại hơn, hàng chục tàu du lịch chở khách ăn uống ngày càng tiến sát khu nuôi tôm. Nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh là rất cao.
Lý do chính là các địa phương ở Khánh Hòa chưa có quy hoạch lâu dài cho các vùng nuôi tôm hùm biển. Một số điểm nuôi tôm lại nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp. Các chủ bè cũng chưa được giao hay cho thuê mặt nước nên nhiều hộ tùy tiện đặt bè cả ngoài vùng quy hoạch. Vì vậy, việc quản lý cũng như hỗ trợ phòng chống dịch bệnh rất khó khăn.
Ông Kim Văn Tiêu, phó giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia cho biết: "Hiện nay có bất cập là Bộ thì đã có quy hoạch nhưng các địa phương lại chưa có quy hoạch, mà thậm chí có cũng chỉ tạm thời, quy hoạch chi tiết không có, cho nên quản lý quy hoạch rất lỏng lẻo. Do đó người dân đặt lồng mà chưa kiểm soát nổi đó là cái họa".
Ông Đỗ Thắng Vương, khuyến nông viên phường Vĩnh Nguyên, Tp Nha Trang, Khánh Hòa cho biết: "Nông dân mong muốn nhà nước và các cơ quan chức năng làm sao có quy hoạch vùng nuôi lâu dài để cấp mặt nước cấp sổ cho bà con để người nuôi an tâm sản xuất."
Khác với thời kỳ trước cơn bão 12, hiện tôm hùm thương phẩm hiếm và có giá cao hơn nhưng người nuôi vẫn bị tư thương ép giá do chưa có một chuỗi liên kết nào. Bên cạnh đó, bà con phụ thuộc 90% lượng giống nhập ngoại, không rõ nguồn gốc, ít qua kiểm dịch nên không đảm bảo chất lượng sản phẩm.