Qua kết quả quan trắc môi trường nước của Chi cục Thủy sản Bến Tre ngày 6/11 ở Huyện Bình Đại có 12/14 mẫu nhiễm bệnh Đốm trắng (WSSV) bao gồm: Vàm Vũng Luông; Rạch 30/4; Kênh Mương Đào; Rạch Cống Bể; Rạch Bình Trung; Rạch Kinh Ngang; Rạch Mây; Rạch Bình Thắng; Rạch Thôn Phát; Rạch Bà Mụ; Rạch Cả Nhỏ; Rạch Sáu Chiếm.
1. Kết quả quan trắc tại Bến Tre
Huyện Ba Tri có 07/10 mẫu giáp xác tự nhiên nhiễm bệnh đốm trắng bao gồm: Rạch Bà Bèo; Rạch Bà Hiền; Rạch Bắc Kỳ; Rạch Đường Tắc; Rạch Xẻo Rạo; Rạch Nò; Rạch Tân Xuân.
Huyện Thạnh Phú có 07/12 mẫu giáp xác tự nhiên nhiễm bệnh đốm trắng bao gồm: Vàm Nước Chảy-An Thạnh; Rạch Vàm Rỗng; Rạch Khâu Băng; Rạch Giồng Đậu - An Nhơn; Rạch Láng Cháy; Rạch Vàm Hồ - Giao Thạnh; Rạch Bến Đò Cây Me - Thạnh Hải.
Nguồn nước trên các kênh, rạch tự nhiên có các thông số thủy lý, hóa phù hợp cho nuôi tôm biển. Tuy nhiên, có 01 điểm thu mẫu có nồng độ oxy hòa tan (DO) thấp so với ngưỡng cho phép (≥ 4 mg/l) như rạch Mây, huyện Bình Đại là: 3,5 mg/l.
2. Khuyến cáo
Qua kết quả phân tích, bệnh đốm trắng xuất hiện ở các kênh rạch tự nhiên trên địa 03 huyện tăng so với kỳ trước, nhất là huyện Bình Đại tỷ lệ nhiễm bệnh đốm trắng là 85,71%. Theo kết quả đo độ mặn tại các vùng nuôi tôm biển tập trung của tỉnh thì độ mặn trên các kênh rạch tự nhiên giảm mạnh. Hiện nay, đang giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô nên các yếu tố thời tiết diễn biến phức tạp. Đặc biệt là sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn: 25-33 oC là điều kiện thuận lợi để các bệnh nguy hiểm bùn phát. Vì vậy, người nuôi tôm cần chú ý:
- Tuyệt đối không được lấy nước trực tiếp vào ao nuôi từ các nguồn nước bị nhiễm bệnh đốm trắng; không tiếp tục thả giống nuôi đối với các vùng có độ mặn thấp (<5‰).
- Thường xuyên kiểm tra môi trường ao nuôi, theo dõi hoạt động của tôm, duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2-1,4m đối với tôm sú; 1,5-1,6m đối với tôm chân trắng.
- Tăng cường quạt nước để cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan đồng thời định kỳ sử dụng vi sinh, nên tăng cường bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, Beta glucan, acid amin, men tiêu hóa… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.
- Khi mưa lớn thường xảy ra hiện tượng xì phèn đáy ao và rửa trôi phèn từ bờ ao, pH giảm và dễ phát sinh các khí độc như NH3, NO2, H2S….Do đó, ao nuôi cần được bón vôi quanh ao trước và sau mưa để duy trì ổn định pH cũng như hạn chế phát sinh khí độc. Khi trời âm u sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn hoặc có thể ngừng cho ăn nếu cơn mưa đến gần. Ngoài ra cần duy trì quạt nước và tháo bớt tầng nước mặt sau những cơn mưa lớn tránh hiện tượng nhiệt độ và độ mặn bị phân tầng trong ao nuôi.
Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc bị chết bất thường phải khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, nhân viên Thú y xã, Ủy ban nhân dân xã hoặc Trạm chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn cách ly, xử lý dập dịch.