Bệnh thiếu Vitamin C - hội chứng chết đen
Tác nhân gây bệnh
Các đàn tôm nuôi thâm canh dùng thức ăn tổng hợp có hàm lượng Vitamin C thấp không đủ lượng bổ sung cho sinh trưởng của tôm, tảo và nguồn khác trong hệ thống nuôi.
Dấu hiệu bệnh lý và phân bố
Dấu hiệu đầu tiên thấy rõ vùng đen ở cơ dưới ở lớp vỏ kitin của phần bụng, đầu ngực, đặc biệt các khớp nối giữa các đốt. Bệnh nặng vùng đen xuất hiện trên mang tôm và thành ruột. Tôm bỏ ăn, chậm lớn. Đàn tôm mắc bệnh mạn tính thiếu Vitamin C có thể bị chết từ 1-5% hàng ngày. Tỷ lệ hao hụt tổng cộng rất lớn 80-90%. Hiện tượng bệnh lý giống bệnh ăn mòn, chỉ khác ở chỗ vỏ kitin không bị ăn mòn.
Các loài tôm biển, tôm càng xanh khi nuôi dùng thức ăn tổng hợp không đủ hàm lượng Vitamin C cung cấp cho tôm hàng ngày.
Chẩn đoán bệnh
Dựa vào các dấu hiệu bệnh lý.
Phương pháp phòng trị bệnh
Dùng thức ăn tổng hợp nuôi tôm có hàm lượng Vitamin C 2-3 g/1 kg thức ăn cơ bản. Lượng Vitamin C được tích lũy trong tôm lớn hơn 0,03 mg/1 g mô cơ, tôm sẽ tránh được bệnh chết đen và có sức đề kháng cao. Thường xuyên bổ sung tảo vào hệ thống nuôi là nguồn Vitamin C tự nhiên rất tốt cho tôm.
Bệnh mềm vỏ ở tôm thịt
Bệnh thường xảy ra ở tôm thịt 3-5 tháng tuổi. Sau khi lột xác vỏ kitin không cứng lại được và rất mềm nên người ta gọi là hội chứng bệnh tôm, những con tôm mềm vỏ yếu, hoạt động dày đặc và bị sinh vật bám dày đặc, tôm có thể chết rải rác đến hàng loạt.
Theo Baticados và CTV (1986) đã nhận định rằng bệnh mềm vỏ ở tôm là do một số nguyên nhân nhưng nguyên nhân đáng quan tâm là các muối khoáng Canxi và Photphat trong nước và thức ăn thấp.
Cho tôm ăn bằng thịt động vật nhuyễn thể tươi với tỷ lệ 14% trong khẩu phần thức ăn đã cho kết quả tốt, làm cho vỏ cứng lại, cải thiện được tình trạng mềm vỏ (Batiatus, 1986).
Dấu hiệu tôm bị bệnh mềm vỏ. Ảnh: Bùi Quang Tề.
- A: Tôm càng xanh bị bệnh mềm vỏ.
- B: Tôm sú bị bệnh mềm vỏ.
Bệnh mềm vỏ có thể ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng và giá trị thương phẩm của tôm nuôi. Bệnh xảy ra từ cuối tháng nuôi thứ 2 đến đầu tháng nuôi thứ 3 và thường xuất hiện ở tôm nuôi mật độ cao 15-30 con/m3. Bệnh thường gặp ở các ao nuôi của 3 miền Bắc, Trung, Nam.