Phương pháp nghiên cứu
Phân lập vi khuẩn:
Mẫu cá lăng với các biểu hiệu bệnh xuất huyết trên cá lăng được dùng để phân lập vi khuẩn gây bệnh. Cá lăng có bệnh lý như bơi lờ đờ, mất định hướng, xuất huyết, lồi mắt, trướng bụng được thu thập để phân tích. Trước khi phân lập vi khuẩn, khử trùng bằng cồn và lau sạch bề mặt ngoài cơ thể của cá. Sau đó, dùng dao mổ và kéo tiệt trùng rạch một đường trên gan và thận và cấy lên môi trường (môi trường thạch NA có bổ sung 1,5% NaCl).
Định danh vi khuẩn:
Các chủng vi khuẩn thuần được quan sát, ghi lại đặc điểm hình thái, màu sắc, kích thước. Định danh vi khuẩn được dựa trên các chỉ tiêu hình thái, sinh lý, sinh hóa theo cẩm nang của Buller (2004) và sử dụng bộ kit API20 20E.
Cảm nhiễm cá: Cá thí nghiệm có kích cỡ 40 - 50 g/con, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, vận động linh hoạt. Thuần dưỡng cá trong điều kiện thí nghiệm 1 tuần, sau đó tiến hành tiêm cảm nhiễm vi khuẩn cho cá.
Phương pháp mô bệnh học:
Các mẫu mô mang, gan, lách, thận và cơ của cá lăng khỏe mạnh và cá có biểu hiện xuất huyết đặc trưng được thu về phòng thí nghiệm. Cố định trong dịch buffer formalin 10%, xử lý mẫu, đúc paratin, cắt mô và nhuộm bằng thuốc nhuộm Mayer Hematoxyline và Eosin (HE) theo quy trình và phương pháp của Mumford et al. (2007).
Kiểm tra khả năng mẫn cảm với kháng sinh: Bảy loại kháng sinh được chọn để thử nghiệm tính kháng sinh trên các chủng vi khuẩn phân lập từ cá lăng bị bệnh xuất huyết bao gồm: Tetracycline (TE/30 µg), Florphenicol (FFC/5 µg), Doxycycline (DOX/20 µg), Rifampincin (RA/30 µg), Amoxicillin (AMO/30 µg), Ampicillin (AM/30 µg), Cefazoline (CF/30 µg).
Kết quả nghiên cứu
Cá bệnh có biểu hiện bên ngoài là da thường xuyên chuyển màu tối, không có ánh bạc, cá mất nhớt, khô ráp, xuất hiện các đốm xuất huyết đỏ trên thân, vùng đầu, quanh miệng, các gốc vây. Giải phẫu nội tạng thấy ruột không có thức ăn, ổ bụng tích nhiều dịch máu, gan xung huyết và thận nhũn, tích nhiều dịch máu. Các đốm trắng không thấy xuất hiện trên nội tạng của cá lăng bệnh.
Kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái, đặc tính sinh lý, sinh hóa của các chủng vi khuẩn phân lập từ cá lăng bệnh ở nghiên cứu này xác nhận rằng tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá lăng là vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Chúng là vi khuẩn gram âm, hình que, có khả năng di động.
Sau khi tiến hành cảm nhiễm cá bằng chủng vi khuẩn A. hydrophila phân lập từ cá lăng bệnh cho thấy vi khuẩn có dấu hiệu bệnh lý giống nhau là hoạt động kém linh hoạt, xuất hiện vết loét và bị xuất huyết khắp cơ thể. Từ đó, có thể thấy dấu hiệu bệnh lý của cá lăng ở thí nghiệm cảm nhiễm tương tự như dấu hiệu bệnh lý của cá lăng bệnh thu ngoài đời thực địa.
Kết quả mô bệnh học cho thấy, cá lăng bị bệnh bị biến đổi cấu trúc các mô trong cơ thể, mô cơ bị tổn thương và mô mang tăng sinh. Gan có màu sẫm, hoại tử ở nhiều điểm và có các đốm trăng nằm rải rác. Ở mô gan, sự xung huyết trong hệ thống mao mạch giữ các tế bào gan kéo dài làm vỡ mạch máu, giải thoát nhiều enzyme tiêu hóa làm cho các tế bào vùng viêm bị hủy hoại dẫn đến hoại tử gan, gan mất chức năng khử độc, lọc máu… các chất độc không được loại bỏ sẽ tích lũy trong cơ thể, kết hợp với các yếu tố khác làm chết cá (Đặng Thụy Mai Thy và cs., 2012). Ở cá bệnh, tế bào lách bị hoại tử, các ống thận vỡ ra gây hiện tượng xuất huyết. Thận có nhiều vùng bị hoại tử, từ đó giảm một số chức năng của các cơ quan này, dần sẽ làm cá chết.
Kết quả thử kháng sinh đồ cho thấy, phần lớn các chủng vi khuẩn nhạy cảm đối với dòng kháng sinh Doxycycline (84,6%). Trong khi, dòng kháng sinh Amoxicillin có tỷ lệ kháng nhiều nhất (30,8%) đối với tổng số chủng thử nghiệm. Tetracycline và Ryfamycin là hai dòng kháng sinh có tỷ lệ kháng cao thứ 2 (23,1%). Vì vậy, sử dụng kháng sinh Doxycyline để điều trị bệnh xuất huyết trên cá lăng sẽ cho hiệu quả cao.