Tại Việt Nam, ếch được coi là loài dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, được nuôi ở nhiều địa phương với quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt phát triển mạnh trong những năm gần đây ở nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh và ồ ạt về quy mô, diện tích nuôi đã dẫn đến nhiều rủi ro cho nghề nuôi ếch hiện nay, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh.
Nguyên nhân do nước thải nuôi ếch thường có hàm lượng chất ô nhiễm cao với tải lượng N-NH4 + , N-NO2 - , N-NO3 - , TN, P-PO4 3- và TP cao. Do đó, để đảm bảo ếch sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường an toàn thì quy trình nuôi nào là hợp lý và góp phần được chất thải ô nhiễm trong quá trình nuôi ếch đang được tìm hiểu và nghiên cứu.
Thực vật thủy sinh đang là một trong những giải pháp hữu hiệu cho xử lý nước thải đã được nghiên cứu trong và ngoài nước. Trương Thị Nga và ctv. (2007) đã nghiên cứu sử dụng bèo tai tượng (P. stratiotes) và bèo tai chuột (S. cucullata) để xử lý nước thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc và kết quả đạt được rất khả quan. Bèo còn có tác dụng cung cấp oxy làm cải thiện oxy hoà tan trong môi trường nước thải, góp phần làm trong sạch nguồn nước. Một số loại bèo còn được dùng làm phân xanh, thức ăn cho cá, gia súc, gia cầm.
Nhóm nghiên cứu tại Đồng Tháp đã tiến hành nghiên cứu và cho thấy thực vật thủy sinh nói chung và bèo tai tượng nói riêng có khả năng xử lý chất thải trong môi trường nước nuôi ếch, đồng thời giảm thiểu được mầm bệnh và kích thích tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ sống trên ếch.
Nghiên cứu được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức 0% (đối chứng), 50%, 75%, 100% bèo tai tượng, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, trong 8 tuần. Mẫu nước được thu ở thời điểm 24, 48, 72 giờ lưu nước để xác định thời gian lưu nước, và ở thời điểm 2, 4, 6, 8 tuần để đánh giá khả năng xử lý nước thải của bèo theo giai đoạn sinh trưởng.
Kết quả cho thấy, chất lượng nước thải nuôi ếch ở các nghiệm thức có bèo đạt QCVN 40/2011/BTNMT sau 72 giờ lưu nước. Nồng độ N-NH4 + , P-PO4 3- và COD sau xử lý đạt cột A của QCVN 40/2011/BTNMT và nồng độ N-NH4+ , N-NO2 - và N-NO3 - đạt cột A1, P-PO4 3- , COD đạt cột B2 của QCVN 08/2015/BTNMT sau 4 tuần.
Nghiệm thức bèo tai tượng ở tuần thứ 6. Ảnh: HVNNVN
Hiệu suất xử lý đạm, lân và COD trong nước thải nuôi ếch của các nghiệm thức có bèo đều cao hơn so với nghiệm thức ĐC và tăng theo tỷ lệ che phủ của bèo. Sau 72 giờ lưu nước thì hiệu quả xử lý đạm, lân và COD của nước thải nuôi ếch có bèo tai tượng ở điều kiện thủy canh tốt hơn nghiệm thức không có bèo và hầu hết hộ nuôi cũng thay nước sau 3 ngày, vì vậy áp dụng thời gian lưu nước thải là 72 giờ cho giai đoạn hai của thí nghiệm.
Hàm lượng TN của nước trong hệ thống thí nghiệm cũng giảm so với nước thải đầu vào và luôn tỷ lệ nghịch với sự gia tăng mật độ của bèo. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy vai trò của bèo tai tượng tới việc giảm hàm lượng N-NH4 + , N-NO- và TN trong nước thải nuôi ếch.
Bèo tai tượng giúp tăng hiệu quả xử lý nước thải nuôi ếch và tăng trưởng chồi và sinh khối tốt, tuy nhiên xuất hiện bèo chết ở nghiệm thức 75 và 100% bắt đầu từ tuần 6 do mật độ cao, vì vậy nên thu hoạch tuyển bèo để tránh tình trạng tái ô nhiễm.
Bèo tai tượng là thực vật thủy sinh dễ tìm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, với đặc tính dễ trồng và phát triển nhanh, do đó quy trình nuôi kết hợp giữa ếch và bèo là biện pháp khả thi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước nuôi, giúp ếch luôn khỏe mạnh và đạt năng suất cao.
NH TỔNG HỢP
Lê Diễm Kiều1, Nguyễn Thị Diễm My1, Trịnh Ngọc Tuyết Phương1, Phạm Quốc Nguyên