Thành phố Vị Thanh có diện tích nuôi thủy sản 135ha, trong đó cá Thát lát chiếm diện tích trên 10ha nuôi cá thương phẩm, mô hình cá Thát lát ghép với cá Sặc rằn ngày càng phát triển. Điển hình là mô hình nuôi và chế biến cá Thát lát cườm ghép cá Sặc rằn của hộ ông Nguyễn Thanh Phong, Khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Ông Nguyễn Thanh Phong là một trong những nông dân đi đầu trong phong trào phát triển nghề nuôi cá Thát lát ghép cá Sặc rằn tại địa phương. Đầu tiên ông Phong nắm bắt kỹ thuật từ các mô hình trình diễn của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm một số người đã nuôi trước đó, nên ông quyết định nuôi với diện tích 5000m2. Với những kiến thức đã học được như: Kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, quản lý dịch bệnh, mật độ thả nuôi, nguồn thức ăn, đầu ra và khâu chế biến sản phẩm.
Thấy được hiệu quả của mô hình muôi ghép, năm 2017 đến nay ông Phong mở rộng diện tích nuôi lên 25.000m2 với mật độ thả nuôi 30 con/m2, độ sâu của ao từ 2,7m – 3m, mô hình được ghép nuôi với cá sặc rằn 10 con/m2 mỗi năm thu hoạch trên 200 tấn cá Thát lát thương phẩm và trên 25 tấn cá sặc rằn.
Ngoài ra, Ông Phong còn liên kết với một số hộ nuôi khác trên địa bàn, để thu mua sản phẩm cá thát lát và cá sặc rằn về chế biến cung cấp cho thị trường. Lợi ích việc kết hợp hai đối tượng này là cá sặc rằn sẽ sử dụng thức ăn dư thừa từ cá thát lát, phân cá thát lát tạo bã hữu cơ, tảo nên không tốn tiền đầu tư thức ăn cho cá sặc rằn. Từ đó tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích và quan trọng hơn nữa là hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Phong chia sẽ sau khi thu hoạch sản lượng cá thịt được bán cho các tỉnh lân cận, số lượng còn lại được chế biến thành các sản phẩm như: Chả cá và chế biến cá rút xương, cá tẩm gia vị, khô cá sặc rằn; đồng thời, các sản phẩm này được dự trữ trong kho đông lạnh, xuất bán khi khách hàng cần.
Đây là mô hình kết hợp với tham quan du lịch, dịch vụ ăn uống, câu cá giải trí, khách tham quan các ao nuôi cá thương phẩm, khu chế biến chả cá, cá rút xương từ cá thát lát. Mô hình này là bước phát triển mới của ngành thủy sản trên địa bàn thành phố Vị Thanh, đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giải quyết việc làm cho nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi mô hình này.