Sau sự cố Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, tại các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã xảy ra các cuộc gây rối phản đối, đòi tẩy chay Formosa.
Hầu hết những cuộc gây rối này đều nhân danh bảo vệ môi trường, đòi công lý nên rất dễ lôi kéo nhiều người, tạo hiệu ứng lan truyền trong xã hội, nhất là qua mạng internet. Tuy nhiên, vụ nào cũng do một số đối tượng câu kết chuẩn bị chu đáo, bài bản. Đi đâu cũng đầy đủ băng cờ biểu ngữ, có ô tô đưa đón, cũng loa đài, rồi quay phim chụp ảnh, tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội. Lời nói phát ra từ miệng những đối tượng này tuyệt nhiên không hàm chứa nỗi niềm, sự sẻ chia với người dân mà lại hồ hởi, đắc chí, la hét kích động, phủ nhận tất cả những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc khắc phục sự cố môi trường..
Vẫn biết rằng, vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung là bài học đắt giá về công tác quản lý môi trường. Những thiệt hại gây ra cho hoạt động khai thác thủy sản ở đây là điều có thật. Nhưng qua đó, chúng ta cũng có thêm kinh nghiệm về việc đánh giá, xử lý những “điểm nóng” về môi trường, không ngừng nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi để phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn bảo vệ được môi trường trong mọi tình huống.
Việc đền bù thiệt hại cho người dân đã được các địa phương trong vùng khẩn trương thực hiện. Chính phủ cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới và cải hoán tàu thuyền công suất lớn, giúp ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày. Môi trường biển đã sạch hơn, hệ sinh thái đáy đã được khôi phục, các loài hải sản cũng đã trở lại.
Từ đầu năm đến nay, cùng với ngư dân các tỉnh miền Trung, ngư dân Nghệ An liên tục được mùa biển. Các cảng cá Lạch Quèn, Lạch Vạn, Cửa Hội, sáng nào thuyền về cũng đầy ắp cá tôm. Mỗi chuyến biển năm bảy ngày, ít thì thu hoạch mấy chục triệu, nhiều thì vài ba trăm triệu. Từ Hoàng Mai, Quỳnh Lưu đến Diễn Châu hay Nghi Lộc, Cửa Lò, những làng biển xứ Nghệ ngày càng giàu có khang trang.
Thật đáng mừng là nhờ chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, cùng với huy động vốn tại chỗ, ngư dân Nghệ An đã đầu tư nâng công suất đội tàu đánh bắt xa bờ. Tàu to máy lớn tăng nhanh, tổng công suất tàu cá toàn tỉnh hiện đạt gần 570.000 CV, tăng gần 13% so với năm 2015.
Quý 1/2017, toàn tỉnh khai thác được 27.400 tấn thủy sản các loại, trị giá trên 620 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ cả về sản lượng lẫn giá trị. Số lao động nghề biển cũng tăng thêm gần 220 người với tổng số lao động có việc làm thường xuyên là 18.410 người. Cuộc sống người dân khai thác, chế biến thủy sản ngày càng sung túc. Biển khơi đã, đang và sẽ mãi là nguồn sống, là chỗ làm giàu cho ngư dân miền Trung nói chung...
Vì vậy, những kẻ “đầu têu”, mượn danh nghĩa bảo vệ môi trường, đòi công lý để lôi kéo người dân nhẹ dạ cả tin bán tàu thuyền, tham gia các cuộc biểu tình, gây rối, vu khống, chống Đảng, chống chế độ với những luận điệu lạc lõng không thể đánh lừa được dư luận. Hành động của họ chắc chắn không bao giờ vì cuộc sống của ngư dân.
Chính phủ đã khẳng định quan điểm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Kết quả khắc phục sự cố Formosa thời gian qua là minh chứng rõ ràng, nhất quán về con đường, mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu của các đối tượng cực đoan, chống đối, đi ngược lại quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạo đức lối sống dân tộc.