Nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng rong nhớt là do ruộng luôn duy trì mực nước trong thời gian nuôi tôm, khi đến thời vụ canh tác lúa, nếu đất ruộng chưa được cải tạo tốt thì rong nhớt sẽ phát sinh, phát triển. Bên cạnh đó, ở những chân ruộng trũng, mặt ruộng không bằng phẳng, nước trong mặt vuông chứa nhiều chất hữu cơ kết hợp với điều kiện thời tiết âm u, mát mẽ, mưa nhiều, nên dễ phát sinh hiện tượng rong nhớt.
Khi rong nhớt xuất hiện ở giai đoạn đầu vụ (khoảng 3 - 5 ngày sau sạ) lúa sẽ dễ bị chết do rong phủ kín mầm lúa làm mất quang hợp, gây thiệt hại. Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, rong nhớt bao xung quanh thân và phủ kín mặt nước làm lúa giảm khả năng đẻ nhánh, đồng thời rong nhớt còn cản trở việc trao đổi oxy trong đất, cạnh tranh dinh dưỡng với lúa, làm cho lúa sinh trưởng kém. Nếu mật độ dày đặc, rong nhớt sẽ làm cho lúa vàng lá và chết.
Rong nhớt trên ruộng tôm lúa. (Ảnh: Văn Triều)
Để khắc phục hiện tượng rong nhớt gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp xử lý sau:
- Cải tạo đất: Cần phơi đất, rửa mặn, xử lý vôi với liều lượng 300 - 350 kg/ha, cày xới để đất tơi xốp, tăng khả năng thấm, rút nước, giúp rửa trôi muối, hạ phèn.
- Biện pháp thủ công: Dùng tay vớt rong đưa ra khỏi ruộng, đây là biện pháp hiệu quả nhất, tuy nhiên, biện pháp này tốn nhiều thời gian, công sức và khó thực hiện ở giai đoạn cây mạ non, chỉ vớt rong khi lúa từ 10 ngày sau khi sạ.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng CuSO4 (nông dân thường gọi phèn xanh). Sử dụng 1 kg đồng sunfat pha với 50 - 80 lít nước (tùy vào giai đoạn sinh trưởng của lúa) khi trời nắng, tháo cạn nước trong ruộng, dùng nước CuSO4 tạt vào những đám rong trên ruộng.
- Biện pháp hóa học: Có thể xử lý rong nhớt bằng thuốc trừ cỏ Ankill trộn với phân Kali để rải.