Thủy triều xuống để lộ từng mảng rong mơ xanh trôi dạt trên bờ biển và những rặng đá san hô gần bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều hộ nông dân rủ nhau đi vớt rong mang về nhà ủ làm phân bón.
Cùng với nhiều loại rong khác thì rong mơ xanh là nguồn lợi thủy sản tự nhiên của biển, có rất nhiều ở vùng biển Lý Sơn từ bao đời nay. Thông thường mùa rong mơ xanh thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Hàng ngày, những đợt sóng biển lớn sẽ cuốn theo những mảng rong mơ xanh dạt vào bờ.
“Mỗi khi nước triều rút xuống, nước biển cạn, rong phủ dày khắp bãi rạn, bờ biển. Cứ thế là mình mang bao ra vớt đem vào bờ. Nếu không vớt nhanh, rong sẽ thối rữa và bốc mùi rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường”- ông Võ Văn Hai ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho biết.
Người dân tranh thủ thủy triều rút ra biển vớt rong
Rong biển sau khi vớt lên, bà con nông dân sẽ phơi ngay trên bờ biển cho rong khô để dễ vận chuyển mang về nhà. “Rong này mình mang về chất thành đóng để ủ, cho đến khoảng tháng 6, 7 khi bắt đầu mùa trồng hành mình sẽ mang ra bón”- ông Hai chia sẻ.
Theo các hộ nông dân ở huyện đảo Lý Sơn, từ xa xưa, người dân ở đây đã sử dụng rong biển để làm phân bón cho cây trồng trên đảo, đặc biệt là cây hành, cây tỏi để giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Chính vì vậy, dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại phân bón khác nhau nhưng hầu hết các hộ nông dân ở đảo Lý Sơn đều dùng rong biển ủ thành phân để bón cho hoa màu.
Rong được vớt lên sẽ được đem lên bờ phơi khô trước khi mang về nhà ủ làm phân
“So với bón phân hữu cơ thông thường thì bón phân từ rong biển có hiệu quả tốt hơn. Qua kinh nghiệm của người nông dân chúng tôi thì cây hành, cây tỏi khi được bón phân làm từ rong biển sinh trưởng và phát triển rất tốt, thân cây phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, củ to và chất lượng tốt hơn ”- lão nông Phạm Văn Ban ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho hay.
Với "độc chiêu" tận dụng rong biển làm phân bón không chỉ giúp bảo vệ môi trường dọc bờ biển mà qua tính toán các hộ nông dân, việc sử dụng phân bón làm từ rong biển giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo đảm chất lượng cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.