Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo XK thủy sản Việt Nam 2017 có thể tăng trưởng 5-6% so với năm 2016, đạt kim ngạch từ 7,4-7,5 tỷ USD. Trong đó, tôm có thể đạt 3,3 tỷ USD, tăng 6%; cá tra đạt 1,6 tỷ USD, tương đương năm 2016 do thiếu nguyên liệu; cá ngừ 524 triệu USD, tăng 8%.
Thách thức bao trùm
Với kim ngạch gần 7,1 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2015, năm 2016 được đánh giá là năm khá thành công với XK thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo dự báo của VASEP, năm 2017, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn từ thị trường, nguyên liệu và thiên tai (hạn hán và xâm nhập mặn).
Năm 2017 sẽ là năm đầy biến động của thị trường thế giới. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản… tiếp tục siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu. Tại thị trường Mỹ, chính sách thuế chống bán phá giá tôm và cá tra vẫn tiếp tục là rào cản lớn. Việc TPP đi vào “ngõ cụt” và khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu khiến kim ngạch XK thủy sản Việt Nam sang Mỹ dự báo giảm 50% so với năm 2016.
Các thị trường Nhật Bản và EU cũng chưa có nhiều điểm sáng. Dự báo XK thủy sản sang EU trong năm 2017 khó bứt phá, tiếp tục duy trì kim ngạch xấp xỉ 1,2 tỷ USD như năm trước. Thị trường Nhật Bản có khả quan hơn nhưng cũng chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2016.
Thị trường Trung Quốc trở thành niềm hy vọng của nhiều DN thủy sản Việt Nam. VASEP nhận định, thị trường Trung Quốc dù không ổn định, nhiều rủi ro, nhưng nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu có xu hướng tăng mạnh. Dự báo, XK thủy sản sang nước này đạt 1 tỷ USD trong năm 2017.
Bên cạnh những biến số thị trường, áp lực về nguồn cung nguyên liệu cũng đang là thách thức lớn. Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng cá tra tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 1/2017 chỉ đạt trên 70.000 tấn (giảm gần 5% so cùng kỳ năm ngoái). Giá cá tra nguyên liệu có xu hướng tăng, hiện dao động ở mức 21.500 – 23.000 đồng/kg. Giá bán tăng, nhưng nguồn cung ra thị trường đang rất yếu.
Ông Dương Ngọc Minh – Phó Chủ tịch VASEP, cho biết: “Cá tra nguyên liệu đang rất khan hiếm. Từ đầu năm 2017, các nhà máy chế biến chỉ chạy khoảng 30% công suất. Hiện tại, gần 50% (khoảng 2.500 ha) diện tích ao cá tra đang bỏ không. Nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng đang đẩy giá cá giống lên rất cao, khoảng 50.000 đồng/kg. Chỉ cần khắc phục được điểm nghẽn về nguyên liệu, kim ngạch XK 1,8 – 2 tỷ USD là trong tầm tay”.
Ngoài ra, những thách thức về thiên tai và xâm nhập mặn khiến dịch bệnh gia tăng cũng trở thành rào cản. Minh chứng là trong đầu tháng 1/2017 vừa qua, Australia phát lệnh dừng nhập khẩu tôm trong 6 tháng từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vì phát hiện virus đốm trắng. Dù không phải là thị trường lớn, nhưng đây là thị trường giàu tiềm năng với mức tăng 50 – 60 triệu USD/năm.
Phát huy nội lực
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng XK thủy sản Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế và những động lực để duy trì đà tăng trưởng. Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2017 tới 2020, nhu cầu thủy sản trên thế giới sẽ tăng hơn 15%, những hiệp định thương mại với các thị trường chính như châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc tạo thuận lợi cho ngành thủy sản tăng trưởng.
Việc nguồn cung cá tra thiếu hụt nghiêm trọng, (khoảng 30 – 40 phần trăm từ cuối năm 2016 và đến hết tháng 6/2017 có thể lên đến 50%), vô tình khiến nỗi lo và những rủi ro về thanh toán giảm xuống đáng kể.
Ông Hàng Văn – Phó Giám đốc công ty Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), cho biết: “Hiện nay, xuất khẩu cá tra không lo rủi ro về thanh toán bởi đang hụt hàng. Ví dụ như tại thị trường Trung Quốc, các nhà nhập khẩu phải thanh toán ngay, thậm chí muốn trả tiền trước để có hàng nhưng chưa chắc mua được. Còn thị trường Mỹ, theo thông lệ sẽ thanh toán sau 45 – 60 ngày nhưng hiện chỉ sau 3 ngày là phải trả đủ”.
Thị trường XK dù biến động mạnh nhưng vẫn có những điểm sáng. Theo dự báo của VASEP, XK tôm năm 2017 sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP, cho biết: “Xuất khẩu sang EU và Mỹ có thể sẽ khó khăn hơn nhưng các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn đang có dư địa lớn để các doanh nghiệp khai thác”.
Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng và đội ngũ lao động tay nghề cao. Ông Dương Ngọc Minh khẳng định: “Với nguồn nhân lực và vật lực hiện nay, Việt Nam thừa sức chế biến xuất khẩu trên 5 tỷ USD/năm (mục tiêu năm 2017 là 3,3 tỷ USD). Vấn đề của ngành tôm là khắc phục thiếu hụt nguyên liệu, giảm giá thành nguyên liệu (đang cao hơn các đối thủ cạnh tranh từ 10-15%) và khơi thông nguồn vốn vay”.
Thực trạng này đòi hỏi ngành nông nghiệp địa phương cần phát huy vai trò trong việc liên kết, hạn chế trung gian, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào. Xây dựng trung tâm giống quốc gia để kiểm soát chất lượng tôm từ gốc, chủ động về nguồn giống để có thể phát triển bền vững.
Áp lực cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt hơn, đến nay, đã có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản Việt Nam dựng lên các rào cản phi thuế quan, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp…
Các thị trường XK lớn như Ấn Độ, Thái Lan cũng đang gia tăng sản lượng. Vì vậy, phát huy nội lực quốc gia là yêu cầu cấp bách của thủy sản Việt Nam để nâng cao cạnh tranh và tăng trưởng.