Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, chủ tàu Hải Cảng 1 số hiệu BĐ 99009 đóng bằng vỏ sắt, trị giá 18 tỷ đồng, than thở: “Mọi thủ tục đã xong hết rồi, thuyền viên cũng sẵn sàng nhưng vẫn chưa có… lưới để ra khơi. Thường thì lưới làm trước hoặc đồng bộ khi con tàu được hoàn tất và bàn giao, đằng này tàu bàn giao gần cả tháng nhưng vẫn không có lưới”.
Tàu BĐ 99009 được đóng theo mẫu tàu đánh cá lưới vây, công suất 880CV, tốc độ 12 hải lý/giờ, hoạt động trong điều kiện gió cấp 8, thời gian hoạt động 30 ngày liên tục. Đồng thời được trang bị hiện đại với đầy đủ hệ thống cứu sinh, cứu hỏa và hầm bảo quản hải sản tiên tiến nhất. Ông Hằng nhẩm tính, con tàu trị giá 18 tỷ đồng vay trong thời hạn 11 năm (1 năm ân hạn) thì trung bình mỗi quý ông phải trả cả gốc lẫn lãi 425 triệu đồng. “Bản thân tôi đủ khả năng mua lưới cụ nhưng theo quy định của Nghị định 67 thì tàu phải sử dụng mẫu lưới do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định đặt hàng cho Trường Đại học Thủy sản Nha Trang thiết kế. Thế nhưng, đến nay mẫu lưới thiết kế vẫn còn nằm… đâu đó”, ông Hằng tự sự.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, khi triển khai Nghị định 67, Bộ NN-PTNN có quy định khi ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép và mua lưới cụ thì phải có mẫu ngư lưới cụ được phê duyệt. Tuy nhiên, bộ lại không quy định rõ đơn vị nào được phê duyệt nên phải làm báo cáo gửi bộ. “Hiện, đã có mẫu lưới cho tàu vỏ thép do Trường ĐH Thủy sản Nha Trang thiết kế và ngành chức năng trong tỉnh đã thẩm định xong nhưng vẫn phải chờ ý kiến ngoài bộ. Nếu bộ đồng ý để Sở NN-PTNT tỉnh chịu trách nhiệm về mẫu lưới thì chúng tôi sẽ phê duyệt ngay để ngân hàng giải ngân, ngư dân nhanh chóng được vươn khơi”, ông Hổ nói.
Ngoài vướng mắc về ngư lưới cụ, chủ tàu vỏ sắt đầu tiên ở Bình Định còn canh cánh nỗi lo khác là tìm chỗ đậu lâu dài cho tàu. Ông Hằng cho biết: Trước khi hạ thủy tàu, tôi đã làm việc với Hải đoàn 48 cho thuê đậu tạm, đóng phí hàng ngày nhưng vì ưu tiên cho tàu cảnh sát biển nên tôi phải chuyển tàu vào đậu tại khu vực cảng cá Quy Nhơn. Nhưng nơi này cũng đang quá tải nên Ban quản lý cảng cá vừa thông báo phải dời tàu đi chỗ khác. Hiện tôi đang năn nỉ họ cho đậu nhờ thêm vài ngày nữa, chờ ở Hải đoàn 48 trống chỗ thì xuống. “Khi hạ thủy con tàu tôi sung sướng bao nhiêu thì giờ lại lo lắng bấy nhiêu”, ông Hằng than phiền.