Hơn nửa tháng trở lại đây, người nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Bình Định đang rất lo lắng khi tôm nuôitrong hồ bị chết. Diện tích tôm bị bệnh hoặc chết do nắng nóng đã lên đến hàng chục ha và đang có dấu hiệu tiếp tục lan rộng. Nhiều gia đình đã và đang đối mặt với một vụ tôm thất bại.
Vắng lặng - đó là thực tế tại nhiều vùng nuôi tôm của tỉnh Bình Định mặc dù đang vào chính vụ nuôi. Sở dĩ, tình trạng này xảy ra do tôm sau khi được thả nuôi khoảng 30 - 40 ngày đều bị chết do bệnh thân đỏ đốm trắng và bệnh do môi trường. Tại nhiều vùng nuôi tôm, 2 loại bệnh này chiếm đến 80% và lây lan nhanh. Mất vốn, người nuôi tôm đành bỏ hồ.
Dự báo trên địa bàn tỉnh Bình Định từ tháng 5 đến tháng 8 gần như không có mưa tiểu mãn nên không đủ lượng nước để đẩy mặn. Như vậy sẽ có gần 1.000 ha nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là vùng nuôi tôm nước lợ. Nắng nóng kéo và độ mặn quá cao khiến tôm giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết. Tuy nhiên, hiện nay, khi phát hiện tôm chết, nhiều hộ không báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để tìm nguyên nhân và hỗ trợ xử lý mà tự ý tháo nước từ ao nuôi ra môi trường. Điều này càng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.