Theo số liệu thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận, hiện tại, toàn tỉnh có 42 phương tiện làm nghề lưới vây có công suất máy trung bình từ 50 đến 90 CV, 382 tàu lưới vây có công suất máy trên 90 CV, trong đó có 181 phương tiện có công suất trên 250 CV.
Mùa vụ khai thác chính của nghề lưới vây rút chì (nhóm công suất trên 150 CV) là kéo dài từ cuối vụ cá bắc (tháng 2) đến hết tháng 10 hàng năm. Nhóm tàu có công suất lớn (>300 CV), chủ yếu khai thác ở vùng biển xa bờ, Trường Sa, Nam Trường Sa, từ Đông nam mỏ Đại Hùng đến Đông nam đảo Phú Quý.
Với nhóm tàu có công suất lớn, thời gian chuyến biển thường kéo dài trên 2 tháng, thời gian bám biển dài hơn do có tàu chuyển tải sản phẩm khai thác vào bờ, mua bán sản phẩm đánh bắt được và tiếp nhận nhiên liệu, nhu yếu phẩm, thực phẩm trên biển. Vì vậy, việc bám biển dài ngày sẽ giảm thiểu được chi phí đi lại, thời gian di chuyển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản của đội tàu. Thông thường, tàu lưới vây xa bờ sử dụng nhiều hình thức đánh bắt khác nhau trên cùng một phương tiện như: kết hợp sử dụng ánh sáng để dụ cá, chà cố định, vây đảo ngời (vây ngày).
Trong những tháng gần đây, sản lượng khai thác của các tàu lưới vây của tỉnh có hiệu qủa khá cao, sản lượng khai thác đạt khoảng 100 tấn/tàu/tháng. Cũng theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thành phần sản lượng chính của nhóm tàu này là cá nục Thái (khoảng 45%), nhóm cá ngừ (vây vàng, mắt to, sọc dưa…) chiếm khoảng 45% còn lại là nhóm cá khác như cá Nục heo, cá chàm…
Trong khi đó, nhóm tàu lưới vây có công suất nhỏ hơn (dưới 300 CV), đánh bắt gần bờ hơn và thời gian chuyến biển ngắn hơn (khoảng 7 đến 10 ngày/chuyến). Sản lượng đánh bắt của mỗi chuyến biển nhóm tàu này thấp hơn (10 -15 tấn/chuyến, tương ứng với 30 - 45 tấn/tàu/tháng). Thành phần sản lượng của nhóm tàu này cũng khác biệt so với nhóm phương tiện ở trên. Nhóm cá ngừ nhỏ (chủ yếu là cá ngừ chấm, ngừ chù…) chiếm khoảng 25%, cá Nục, Chỉ vàng, cá Trác… chiếm khoảng 60 – 70%.
Việc điều tra, đánh giá nguồn lợi cá nổi, đặc biệt là cá nổi lớn ở Việt Nam còn nhiều bất cập, do đó, thông tin về hiện trạng nguồn lợi cho việc xác định khả năng khai thác tối đa (TAC) còn thiếu, ước tính cường lực khai thác phù hợp cho từng vùng biển hay cho mỗi địa phương càng gặp khó khăn. Đối với nhóm cá di cư xa, nhu cầu thông tin cho việc đánh giá nguồn lợi, xác định cường lực khai thác hợp lý đòi hỏi nhiều hơn và cần có sự chia sẻ thông tin ở cấp độ khu vực. Vì thế, mặc dù sản lượng khai thác của nhóm tàu lưới vây xa bờ của địa phương hiện tại đang đạt khá cao, nhưng tính ổn định, bền vững cần được cân nhắc, xem xét cẩn thận và có thời gian kiểm chứng, không nên vội vàng đầu tư đóng mới hay chuyển đổi nghề từ các nghề khác sang khi nguồn lợi cá nổi xa bờ còn chưa được biết rõ.