Cần mẫn tìm tòi và góp nhặt kinh nghiệm cho bản thân, ông Ngô Duy Tuấn, thôn Minh Khai, xã Thái Thủy vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi cá đặc sản.
Ông Tuấn đang chế biến thức ăn tự chế cho cá. Ảnh: TSVN
Bỏ phố về làng
Ông Ngô Duy Tuấn tâm sự: Từ bé, con người tôi đã phù hợp với cuộc sống ở những vùng quê yên ả. Cho đến thời điểm này, tôi rất hài lòng với cuộc sống mình đang có.
Đôi mắt đăm chiêu, ông Tuấn kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và quá trình lập nghiệp đầy vất vả của mình. Vốn là người đam mê nuôi cá nên ngay từ khi mới 18 tuổi, Ngô Duy Tuấn đã nghiên cứu thị trường và tìm hiểu về cách nuôi một số loại cá có thể đem lại giá trị kinh tế cao. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng trai trẻ trở về quê hương làm thuê đủ nghề song khát vọng về một trang trại nuôi cá của riêng mình vẫn âm ỉ cháy...
Năm 2007, trong một lần xuống nhà bạn chơi, ông đã mạnh dạn thuê lại hồ nước rộng hơn 10ha tại thôn Minh Khai, xã Thái Thủy để nuôi cá rô phi. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong năm đầu tiên thả nuôi ông chỉ lãi 50 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục đi học hỏi một số mô hình của các tỉnh lân cận, mạnh dạn đầu tư thuê gần 5ha đất của xã trong vòng 20 năm để nuôi cá.
Ông Tuấn kể: Hồi ấy chỗ đất mà tôi đang thuê là ruộng hoang, đất chua mặn nên phải mất một thời gian dài để cải tạo. Ngoài việc đầu tư máy móc để đào ao, tôi còn xây gần 3km mương máng bao quanh. Để có một trang trại như bây giờ là cả một sự đầu tư và nỗ lực rất lớn.
Thành công từ đam mê
Dạo một vòng thăm mô hình nuôi cá đặc sản của ông Tuấn, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi quy hoạch rất bài bản, khoa học. Với diện tích gần 5ha, ông đào 7 ao nuôi cá gồm: 1 ao nuôi cá lăng chấm, 2 ao nuôi cá trắm đen, các ao còn lại ông nuôi cá rô phi đơn tính và cá chép.
Đặc biệt, năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, ông Ngô Duy Tuấn dành hơn 1ha diện tích mặt ao nuôi thử nghiệm cá rô phi đơn tính theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Tuấn, nếu nuôi cá rô phi đơn tính theo phương pháp này sẽ giúp giảm chi phí về thức ăn, công lao động, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Hệ số thức ăn giảm khoảng 0,6%; năng suất đạt gần 17 tấn/ha.
Vì những đặc tính khác nhau nên mỗi loại cá đều đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khác nhau. Thức ăn của cá được ông đặt mua từ những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, ông Tuấn còn cho cá ăn cám do chính tay ông sản xuất từ những nguyên liệu như cá biển, cám gạo, đậu tương. Riêng cá trắm đen, ngoài thức ăn công nghiệp, ông còn cho ăn con don, trung bình từ 1 - 2 tấn/ngày để bảo đảm thịt cá trắm đen chắc và ngọt. Giá bán đối với cá lăng chấm từ 450.000 - 700.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 250.000 - 500.000 đồng/kg...
Để bảo đảm việc nuôi cá đặc sản, ngoài lực lượng lao động trong gia đình, ông thuê 4 lao động làm theo thời vụ, hướng dẫn họ kỹ thuật thả nuôi với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ mọi chi phí, ông Tuấn thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm từ nuôi cá đặc sản. Đó là thành quả do quá trình nghiên cứu, tìm tòi và nỗ lực không ngừng của người đàn ông tuổi đã ngoại ngũ tuần này.
Trên diện tích trang trại gần 5ha, ngoài nuôi cá, ông Tuấn còn chăn thả 200 con gà ta, nuôi 100 đầu lợn, trồng gần 1.000 cây lộc vừng và một số loại cây ăn quả khác như táo, chuối, ổi. Trong thời gian tới, ông sẽ nghiên cứu kỹ thuật thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt để có thể đa dạng con vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Nhận xét về mô hình của ông Tuấn, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: Mô hình nuôi cá của ông Tuấn là một trong những mô hình tiêu biểu nhất của xã Thái Thủy nói riêng, huyện Thái Thụy nói chung. Việc ông Tuấn nuôi nhiều loại cá đặc sản như trắm đen, lăng, rô phi đơn tính..., đặc biệt là việc thử nghiệm hơn 1ha nuôi cá rô phi đơn tính theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp đa dạng hóa cơ cấu đàn cá trong nuôi thủy sản. Trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện phát triển thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.