Tác dụng của Methionine
Cá mú là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế cao do thịt cá ngon, chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng nên thị trường rất ưa chuộng. Cá lớn tương đối nhanh, kỹ thuật nuôi cũng không phức tạp, khâu quản lý, chăm sóc dễ dàng, giá trị kinh tế mang lại rất cao và sản phẩm dễ tiêu thụ. Nghề này đang thu hút sự quan tâm của nhiều ngư dân trong và ngoài nước.
Ở vùng biển Việt Nam họ cá Mú (Serranidae) có 72 loài. Hiện nay ở nước ta nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cá Mú tương đối cao, vì vậy cá Mú trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức. Nghề nuôi cá Mú ở nước ta đã hình thành và đang phát triển mạnh, có hai vùng nuôi tập trung: ở phía Bắc là 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và ở phía Nam là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cá hay mắc một số bệnh do nấm, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Do đó, bổ sung một số chất phụ gia để kích thích tăng trưởng và tăng cường miễn dịch cho cá là cần thiết giúp cá chống trọi với mầm bệnh.
Methionine có vai trò quan trọng trong tổng hợp protein, là chất điều hòa chính trong việc chống oxy hóa, đáp ứng miễn dịch, tác động đến tình trạng sức khỏe tổng thể của cá và chuyển hóa carbohydrate và lipid. Ngoài ra, là tiền chất của S-adenosylmethionine (SAM) và S-adenosylhomocysteine (SAH), methionine có thể điều chỉnh sự biểu hiện của các gien liên quan đến sự tăng trưởng và sức khỏe của cá bằng các phản ứng methyl hóa DNA. Tuy nhiên, trong sản xuất thức ăn thủy sản hiện này, việc sử dụng protein từ thực vật dẫn đến thiếu hụt hàm lượng methionine trong thức ăn thủy sản.
Sử dụng methionine/cystine làm phụ gia thức ăn cho cá mú
Nghiên cứu bổ sung methionine/cystine vào thức ăn của cá mú đã được thực hiện để đánh giá hiệu suất tăng trưởng và khả năng miễn dịch của cá trong thời gian 2 tháng.
Một thử nghiệm cho ăn kéo dài tám tuần đã được thực hiện để nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ methionine/cystine (Met/Cys) đối với hiệu suất tăng trưởng của cá mú, các enzyme chuyển hóa ở gan, các thông số liên quan đến miễn dịch huyết thanh, chỉ số chống oxy hóa gan.
Cá có trọng lượng ban đầu trung bình là 11,66 g được dùng bố trí thí nghiệm bao gồm 6 nghiệm thức với mức Met và Cys cố định (1,78%) và tỷ lệ Met/Cys thay đổi (0,76- 4,50) đã được xây dựng. Cá được cho ăn hai lần mỗi ngày trong 2 tháng.
Bổ sung Met/Cys trong chế độ ăn của cá mú cho thấy tăng cân (WG), trọng lượng cuối cùng (FW), tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR) và lượng thức ăn ăn vào cao hơn so với nghiệm thức không bổ sung, đồng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) giảm đáng kể ở mức bổ sung Met / Cys với nồng độ từ 1,93 - 2,77g.
Ngược lại, sự thay đổi trong tỷ lệ Met/Cys trong chế độ ăn uống không có tác dụng rõ rệt đối với chỉ số gan, chỉ số axitamin trên cơ thể, hàm lượng protein, lipid, tro và độ ẩm trong cơ.
Tuy nhiên quá trình tổng hợp Methionine ở gan và cystathionine, các hoạt động oxy hóa glutathione peroxidase, superoxide effutase, và hoạt động catalase, phosphatase axit và phosphatase kiềm, và hoạt động lysozyme, hàm lượng IgM và C3 trong huyết thanh tăng đáng kể ở nghiệm thức bổ sung Met / Cys với nồng độ từ 1,93 - 2,77g. Qua nghiên cứu có thể thấy được bổ sung methionine và cystine vào khẩu phần ăn của cá Mú giúp tăng cường miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cá, từ đó gia tăng tốc độ tăng trưởng.
Cys có thể thay thế tới 41% lượng Met trong chế độ ăn của cá. Việc sử dụng các tỷ lệ Met/Cys thích hợp với nồng độ từ (1,93 - 2,77) trong thức ăn có thể giúp cải thiện hiệu suất tăng trưởng của cá mú, chức năng miễn dịch và khả năng chống oxy hóa và điều chỉnh tích cực các gen trong con đường truyền tín hiệu mTOR (mTOR một loại protein giữ vai trò chính trong sự tăng sinh và phát triển tế bào) và bổ sung với tỷ lệ 6Met/1Cys là thích hợp nhất.