Bỏ việc đồng áng đi “săn” rùa

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh rộ lên tin đồn có người bắt được rùa nước, bán cho thương lái Trung Quốc hàng trăm triệu đồng. Nhiều người bỏ công việc đồng áng, khăn gói đi săn rùa với hy vọng đổi đời, nhưng cuối cùng mơ ước cũng chỉ là… ước mơ. Trong khi đó, một “vua” rùa ở huyện Sông Hinh nhiều năm nay mong được ngành chức năng cấp giấy phép cho trang trại nuôi rùa của mình để dễ dàng trao đổi trên thị trường.

kỹ thuật nuôi rùa
Ông Hoàng giới thiệu về kỹ thuật nuôi rùa của mình - Ảnh: P.NAM

ĐI “SĂN” RÙA TỪ TIN ĐỒN

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh rộ lên tin đồn có người trúng rùa vàng, rùa nước, bán được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Ông N. V. T ở thị trấn La Hai (Đồng Xuân) kể: Sở dĩ ngày càng có nhiều người, lặn lội hàng tháng trời trên núi, dưới sông, suối, ao đầm, kênh mương để nhử rùa là do cách đây vài tháng có tin đồn một người ở xã Hòa Hội (Phú Hòa) bắt được 2 con rùa nước nặng gần 0,5kg, bán gần 500 triệu đồng. Sau đó, lại nghe ở xã Xuân Long (Đồng Xuân) có một nhóm người nhử được 3 con rùa nước, mỗi con nặng khoảng 0,2kg, bán hơn 400 triệu đồng. Từ đó, xuất hiện nhiều nhóm người đi săn lùng rùa. Ông T cho biết thêm, cách đây vài ngày có 2 người ở thị trấn La Hai thua độ bóng đá 220 triệu đồng, bị một số đối tượng truy lùng đòi nợ. Bí đường, 2 người này xuống thị trấn Chí Thạnh mua đồ nghề rồi mang lên khu vực Lỗ Vàng, xã Xuân Long nhử được 1 con rùa nước nặng gần 0,5kg, bán 240 triệu đồng, trả hết nợ.

Còn tại huyện Sơn Hòa, thời gian gần đây cũng rộ lên tin đồn có nhiều người ở thị trấn Củng Sơn, xã Suối Bạc và Sơn Phước bắt được rùa nước, bán hàng trăm triệu đồng. “Hiện nay trên địa bàn huyện Sơn Hòa có nhiều người hám lợi bỏ việc đồng áng, rủ nhau đi nhử rùa nước. Vì vậy, mới bước vào đầu vụ thu hoạch mía, nhưng rất khó khăn tìm công chặt, bốc mía”, ông D. H. T ở thị trấn Củng Sơn than phiền.

Từ những tin đồn, 4 anh em ông N. V. T ở thị trấn La Hai cũng dồn tiền sắm hơn 10 bộ ngư cụ, mỗi bộ 270.000 đồng, cùng nhiều lương thực, thực phẩm lên xã Xuân Phước nhử rùa. Ngư cụ là loại lờ xếp (bóng Thái Lan) dài từ 5 đến 7m có nhiều ngăn và lỗ to, cao 20cm, rộng 30cm, bên ngoài phủ lưới dày, bên trong bỏ mồi nhử là ruột gà hoặc các loại thực phẩm ôi thiu và pha thêm một loại tân dược để gợi mùi, kích thích rùa vào bẫy. Sau đó đem lờ thả xuống suối, ao, hồ có mực nước sâu không quá 50cm, rồi… chờ. Mỗi ngày nhóm ông T thăm bẫy từ 3 đến 4 lần, nếu không dính rùa thì thay mồi khác. Theo kinh nghiệm của ông C, đi cùng nhóm với ông T, loài rùa nước thường hay đi ăn vào ban đêm, ít khi ra khỏi hang nên rất khó bắt. Đã có người tốn cả chục triệu đồng cho việc nhử rùa nhưng không bắt được con nào. “Nghề này cũng giống như đi tìm kỳ nam vậy, viễn vong lắm, không biết đâu mà lần. Tôi nghe người ta đồn dữ quá nên mới đi thử cho biết thế nào, chứ không chắc ăn lắm”, ông T phân trần.

Hơn tuần qua, lương thực, thực phẩm đã cạn, rùa đâu không thấy mà thể trạng, tinh thần 4 anh em trong nhóm ông T suy sụp, tuyệt vọng. Nuôi hy vọng đổi đời từ rùa, ngày đêm họ phải mắc võng nằm chông chênh bên bờ mương. “Mỗi ngày trôi qua, đồng nghĩa với việc mất hơn 100.000 đồng chi phí ăn ở, xăng xe. Mệt mỏi lắm rồi, mà chẳng thấy bóng dáng rùa đâu. Hàng ngày, vợ con kêu ca vì tốn kém, bỏ bê việc nhà, con cái không người chăm sóc”, anh T thở dài ngao ngán.

đi săn rùa
Một nhóm đi “săn” rùa móc võng ngủ trong rừng chờ cơ hội bắt được rùa - Ảnh: P.NAM

CÓ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐỨNG SAU?

Theo các “phu rùa”, rùa nước có nhiều loại, thường sống ở các suối, ao hồ, mương, ruộng đồng… giá mỗi ký rùa cũng không ai biết chính xác bao nhiêu. Còn rùa vàng thì vô giá, thường sống ở các suối trong rừng sâu. Có điều lạ là người dân không ai biết giá trị của từng loại rùa, mà do người mua định đoạt.

Theo một người thạo rùa, hiện có 2 loại rùa có giá “khủng” là rùa bạch kim và rùa nước. Rùa bạch kim ở dưới bụng có hình con bướm, trông rất đẹp có giá 1 tỉ đồng/kg. Còn rùa nước thì dưới tai có vân xanh, giá từ 200 đến 500 triệu đồng/kg. 2 loại rùa này hiện còn rất ít và chỉ có ở khu vực từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên, được xếp vào loài có nguy cơ tiệt chủng cao. “Cách đây khoảng 6 năm, tôi mua 6 con rùa nước tại chợ La Hai với giá chỉ 30.000 đồng/con đem về nuôi chơi. Trung bình mỗi ngày phải bỏ ra ít nhất 20.000 đồng mua thịt bò làm thức ăn cho rùa. Chi phí cao, lại không mang lại giá trị kinh tế, vì không có ai hỏi mua nên đem thả hết ra sông. Bây giờ nghĩ lại mà thấy tiếc”, ông N.V.T ở thị trấn La Hai cho biết.

Qua tìm hiểu, được biết hiện tại ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân có người mua các loại rùa, không hạn chế về số lượng. Sau khi gom hàng, họ bán lại cho một số người Trung Quốc nhưng không biết họ dùng vào việc gì. Nhiều người ở các huyện này đoán, người Trung Quốc mua rùa để làm thuốc trị bệnh và làm món ăn sang trọng phục vụ các “đại gia”. Cũng có người cho rằng người Trung Quốc mua rùa là để nhân giống, sau đó bán lại cho người Việt Nam với giá cao hơn. Tuy nhiên, chưa ai gặp được người Trung Quốc nào trên đất Phú Yên, mà tất cả chỉ là tin đồn: “Hiện có một số người Trung Quốc “ẩn mình” trong các nhà hàng, khách sạn ở Phú Yên với danh nghĩa khách du lịch. Thông qua một số người, họ đặt mua rùa, rồi vận chuyển về nước, nhưng không biết vận chuyển bằng cách nào”, một người trong nhóm ông T nói.

CHỜ “GIẤY KHAI SINH” CHO RÙA

Trong khi nhiều người đang ngày đêm thử vận may lùng sục tìm rùa, thì một “vua rùa” ở huyện Sông Hinh nhiều năm qua đang chờ ngành chức năng làm “giấy khai sinh” cho đàn rùa của mình.

Được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Hoàng ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng để tận mắt chứng kiến mô hình nuôi rùa có một không hai ở Phú Yên. Gặp chúng tôi, ông Hoàng không ngần ngại giới thiệu cặn kẽ trại nuôi rùa của mình. Trại tuy không lớn nhưng được xây dựng khá kiên cố. Trại rùa có nhiều ngăn, ngách cho rùa trú ẩn, xung quanh được rào bằng lưới sắt rất chắc chắn. “Trước năm 2000, trong những chuyến đi làm ăn xa, tôi thấy nhiều đứa trẻ mang rùa nước ra chơi đùa. Thấy vậy, tôi xin vài con về nuôi thử. Ban đầu chỉ có 6 con rùa nhỏ được thả nuôi chung với ba ba. Sau một thời gian, ba ba chết hết, trong khi rùa vẫn sống khỏe mạnh. Thấy vậy, tôi mới tập trung đầu tư chăm sóc rùa cho đến ngày hôm nay. Lúc trước, do kinh tế gia đình khó khăn, tôi chỉ cho rùa ăn trái cây, rau thải ra nên rùa chậm lớn. Còn nay tôi cho rùa ăn cá, thịt nên chúng phát triển nhanh và đẻ trứng đều đặn”, ông Hoàng nói.

Hiện ông Hoàng sở hữu 190 con rùa nước, trong đó 30 con rùa mẹ có trọng lượng từ 1,3 đến 2kg, 20 con từ 0,6 đến 1,5kg, 50 con từ 0,2 đến 0,5kg, 50 con gần 0,2kg và 40 rùa con mới nở. Ông Hoàng khẳng định, đây là rùa Trung Bộ vì có đầu nhỏ như đầu rắn mối, trên đầu có viền xanh xậm hình chữ V và vệt xanh từ mũi đi ngang qua mắt đến tận cổ; đặc biệt trong con ngươi rùa có hai vệt xanh hai bên, một vệt xanh chính giữa và dưới bụng phần màu đen chiếm hơn 80%. Theo ông Hoàng, giống rùa này hiện nay còn rất ít ngoài tự nhiên. Đây có thể là giống rùa mà thời gian gần đây nhiều người đi nhử, bán hàng trăm triệu đồng. Nếu là giống rùa Trung Bộ thì rùa đực thường đắt gấp 4 lần so với rùa cái và có giá trên dưới 400 triệu đồng/kg và mỗi con rùa con cũng có giá khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hoàng chia sẻ, có nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến hỏi mua rùa nhưng ông không thể bán vì chưa được phép của ngành chức năng. Tâm nguyện lớn nhất đối với ông Hoàng hiện nay là sớm được chia sẻ con giống và kỹ thuật nuôi cho người dân trên cả nước để bảo vệ và phát triển loài rùa Trung Bộ đang có nguy cơ tiệt chủng.

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), từ ngày 5/8/2013, cơ quan này đã ra văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh xem xét cấp giấy chứng nhận trại nuôi rùa của ông Phạm Ngọc Hoàng và các loài động vật hoang dã khác cho các tổ chức, cá nhân nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp còn giao Cơ quan quản lý CITES Việt Nam hỗ trợ và hướng dẫn Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên quản lý trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Trong khi đó, ông Lê Văn Bé, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, đang đề nghị ông Hoàng làm các thủ tục giấy tờ cần thiết, đồng thời tạo điều kiện cho ông được cấp giấy chứng nhận trại chăn nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng trong thời gian sớm nhất.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp. Đặc biệt không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật và các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các cấp, các ngành, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp liên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cam kết không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng.

Báo Phú Yên, 27/02/2014
Đăng ngày 01/03/2014
Phương Nam
Nông thôn

Quảng trường con tôm ở Cà Mau: Tăng vốn đầu tư lên 43 tỷ đồng

Quảng trường Phan Ngọc Hiển tại thành phố Cà Mau đang trở thành một trong những dự án trọng điểm với nhiều thay đổi lớn về diện tích, vốn đầu tư và thời gian thi công. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án này, tăng vốn đầu tư thêm hơn 43 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2026.

Biểu tượng con tôm
• 08:00 22/12/2024

Lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2025

Vừa qua, Cục Thủy sản đã hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ và một số nội dung quản lý, tổ chức sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2025 cụ thể như sau:

Thả giống
• 10:06 16/12/2024

Ngư dân Bình Định trúng đậm cá chù

Vừa qua, rất nhiều tàu thuyền của ngư dân hành nghề lưới vây rút ngày ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định cập bến với cá chù đầy khoang. Mỗi thuyền sau mỗi chuyến đánh bắt từ 2 đến 3 ngày thu được sản lượng từ 1 đến 2 tấn cá. Với giá cá chù 50.000 đồng/kg, mỗi thuyền thu nhập từ 50 đến 100 triệu.

Cá chù
• 10:28 13/12/2024

Cà Mau đẩy mạnh quảng bá con tôm đến thị trường Mỹ

Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, đoàn công tác Cà Mau do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử dẫn đầu đã làm việc với Seafood Watch (SFW) để tổ chức Hội nghị “Tôm sú bền vững từ Việt Nam” tại Boston, Hoa Kỳ và triển khai chương trình hợp tác với trường Đại học Arizona.

Tôm sú
• 10:23 09/12/2024

Sử dụng Thuốc mê Durelax Liquid cho cá tôm sao cho hiệu quả?

Với thành phần từ thảo dược tự nhiên, khả năng gây mê nhẹ thuốc mê Durelax Liquid chuyên dùng để vận chuyển, hỗ trợ trước sinh sản cho nhiều loài cá và dùng cho tôm để san ao, phân cỡ. Với sự phổ rộng như vậy, Durelax Liquid được sử dụng với liều như thế nào cho từng loài nhất định? Cùng Farmext eShop tìm hiểu ngay nhé.

Durelax Liquid
• 20:41 24/12/2024

Da cá hồi: Từ phế phẩm trở thành món ăn được ưa chuộng

Trong những năm gần đây, da cá hồi đã trở thành một nguyên liệu được ưa chuộng trong ẩm thực, không chỉ nhờ vào hương vị đặc biệt mà còn bởi những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Từ một phần thường bị bỏ đi trong chế biến cá, da cá hồi đã được khám phá và tận dụng một cách sáng tạo, biến thành món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích.

Da cá hồi
• 20:41 24/12/2024

Một số loài cây trồng thủy sinh hot nhất năm

Thủy sinh là một phần không thể thiếu trong thế giới của những người yêu thích nghệ thuật trang trí hồ cá và không gian nước.

Cây thủy sinh
• 20:41 24/12/2024

Thuần hóa tôm giống trước khi thả

Thuần hóa tôm giống trước khi thả vào ao nuôi là một trong những bước quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Quá trình này không chỉ giúp tôm thích nghi với môi trường mới mà còn tăng khả năng sinh trưởng và giảm tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn đầu. Để đảm bảo thành công, người nuôi cần nắm rõ các bước và áp dụng phương pháp phù hợp.

tôm giống
• 20:41 24/12/2024

Xu hướng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản năm 2025

Trước sức ép gia tăng nhu cầu thực phẩm toàn cầu, nuôi trồng thủy sản được kỳ vọng đáp ứng hơn 60% sản lượng thủy sản tiêu thụ vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, sự suy thoái môi trường, và tác động từ biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nuôi trồng thủy sản
• 20:41 24/12/2024
Some text some message..