Cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss Walbaum, 1792) là một trong những loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao, được nuôi phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Nauy, Phần Lan, Đan Mạch, Ấn Độ, Đài Loan… Cá hồi ngày càng được ưa chuộng bởi chúng có giá trị dinh dưỡng cao giàu protein cùng với các khoáng chất tốt như Niacin , Vitamin B12 và Selen đồng thời còn là nguồn cung cấp phốt pho và omega dồi dào.
Nhằm mục đích đa dạng hóa đối tượng nuôi và phục vụ nhu cầu nội địa, cá hồi lần đầu tiên được đưa vào Miền Bắc Việt Nam năm 2005. Từ đó đến nay cá hồi được nuôi thành công ở một số nơi như Lâm Đồng, Lào Cai, Lai Châu. Tuy nhiên, một khi nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng năng suất cao thì luôn đi kèm sự phát sinh của dịch bệnh và đó luôn là một trong những khó khăn của nuôi trồng thủy sản.
Các nghiên cứu của Holt và cộng sự (1994) cho thấy Aeromonas salmonicida gây ra bệnh nhiễm trùng máu trên cá hồi vân, đi kèm với hiện tượng hoại tử trên diện rộng, tỷ lệ tử vong cao. Nhiễm trùng cấp tính thường xảy ra với cá giống và trưởng thành, cá có màu tối đen, xuất huyết tại gốc vây và miệng. Nội tạng xuất huyết thấy rõ ở thành bụng, lá lách, gan; cá bơi lội thất thường, trở nên chậm chạp, và ngừng ăn, dạ dày ít có thức ăn mà đầy chất nhầy và máu.
Để giảm thiểu ảnh hưởng tác động của bệnh đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của cá hồi vân nghiên cứu được tiến hành để đánh giá tác động của các nồng độ nghệ khác nhau bổ sung vào thức ăn đối với hiệu suất tăng trưởng, giá trị huyết học, khả năng miễn dịch của cá hồi Oncorhynchus mykiss bảo vệ cá chống lại vi khuẩn Aeromonas salmonicida subsp.
Curcumin là thành phần chính của Curcuminoid – một chất trong củ nghệ. Curcumin được biết đến là chất chống oxy hóa có khả năng chống viêm, chống ung thư, chống nhiễm trùng, chống ký sinh trùng, kháng khuẩn và được ứng dụng rộng rãi trong hóa dược phẩm. Trên cá, nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương, điều hòa miễn dịch, tăng cường khả năng thực bào, chống lại vi khuẩn và ký sinh trùng.
Nghiên cứu ứng dụng nghệ trên cá
Cá được cho ăn với chế độ ăn có chứa hàm lượng nghệ khác nhau; 0% (C), 1% (E1), 2% (E2) và 4% (E3) trong vòng 8 tuần. Sau đó cá sẻ đem đi cảm nhiễm với vi khuẩn Aeromonas salmonicida subsp để xác định khả năng miễn dịch của cá thông qua các thông số huyết học và quan sát tỷ lệ sống trong 14 ngày.
Kết quả
Kết quả chỉ ra rằng hiệu suất tăng trưởng bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức độ bột nghệ bổ sung vào chế độ ăn. Ở nghiệm thức chứa chứa 2% bột nghệ cho WG và SGR đạt giá trị cao nhất và FCR thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng.
Số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin (Hb), hematocrit tăng trong các nhóm được cho ăn tinh bột nghệ khi so sánh với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể về giá trị thể tích trung bình (MCV), huyết sắc tố trung bình (MCH) và nồng độ huyết sắc tố trung bình (MCHC) giữa các nhóm thử nghiệm.
Ngoài ra, tỷ lệ sống cao hơn ở các nhóm được tinh bột nghệ, đặc biệt là trong nhóm E2, so với nhóm chứng. Tinh bột nghệ trong chế độ ăn đã kích thích các hoạt động superoxide effutase (SOD), catalase (CAT) và glutathione peroxidase (GSH-Px) ở gan, thận và lách so với nhóm đối chứng.
Nghiên cứu ứng dụng nghệ trong nuôi trồng thủy sản được xem là một phương pháp hữu hiệu vừa giảm thiểu chi phí vừa hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, đem lại lợi nhuận cho nông dân.