Các nhà sản xuất cá rô phi Trung Quốc đã tạo mối mối quan hệ chặt chẽ và lâu dài với các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như Walmart và Kroger. Nhưng giờ đây, các nhà nhập khẩu và nhà phân phối lớn đã bắt đầu đàm phán với các nhà cung cấp tiềm năng ở các quốc gia khác.
Trước đây, Trung Quốc luôn dẫn đầu trong thị trường cá rô phi đông lạnh ở Mỹ do giá bán quá thấp khiến các nước khác không có khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài, cá rô phi Trung Quốc bị đánh thuế với mức 25% đã buộc người tiêu dùng phải xem xét các nhà cung cấp khác. Để nắm bắt thời cơ này, Brazil đã lên một kế hoạch lâu dài, không chỉ mở rộng quy mô nuôi trồng và chế biến mà còn tập trung xây dựng trại sản xuất giống hiện đại, chuẩn bị đưa vào thị trường dòng cá rô phi đã được cải tiến di truyền học.
Các nhà máy chế biến gia cầm ở Brazil cũng đang dần chuyển sang cá rô phi đông lạnh, hoặc mở thêm các nhà máy mới nhằm tập trung tấn công thị trường Mỹ. Hiện tại, cá rô phi Brazil đang đứng thứ 4 tại Mỹ, sau Trung Quốc, Ai Cập và Indonesia, dự đoán tăng sản lượng 12,5% trong năm nay, đạt đến 450.000 tấn.
Brazil đã tự động hóa trong sản xuất, sử dụng robot để thay thế nhân công khiến sản lượng tăng nhanh và giá bán rẻ hơn so với các nhà cung cấp khác.Thậm chí giá cá rô đông lạnh của Brazil hiện tại còn rẻ hơn các nước châu Á – vốn luôn sử dụng lợi thế giá cả để cạnh tranh trong thị trường thủy sản. Loại bỏ được lợi thế chi phí lao động của châu Á, Brazil có lợi thế rất lớn khi có tài nguyên nước ngọt lớn nhất thế giới cùng với nguồn cung cấp ngũ cốc và các loại hạt có dầu sẵn có trong nước.
Ngành sản xuất cá rô phi đông lạnh của Brazil đang đặt cược toàn bộ hy vọng ở thị trường Mỹ. Với đầy đủ các điều kiện để cạnh tranh như giống cá chất lượng, thức ăn giá rẻ và được các công ty lớn có nguồn lực đầu tư, Brazil có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với các nước xuất khẩu cá rô phi khác.