"Bạo gan" với công nghệ mới
Ở Sóc Trăng, đang mở ra nhiều mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh quy mô công nghiệp áp dụng công nghệ mới theo cách chuyển hóa sáng tạo không ngừng.
Ông Võ Văn Phục, CEO Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) nhớ lại vào thời điểm năm 2016, nuôi “tôm sạch” bền vững ứng dụng công nghệ cao được xem là mạo hiểm.
Ở thời điểm ấy, khắp vùng nuôi tôm ven biển này chưa có ai dám bạo gan đầu tư với quy mô lớn và cũng chưa có “thuật toán” nào xác định được hiệu quả của nó. Hơn nữa, dù từng kinh qua ngành kinh tế công nghiệp chế biến thủy sản, nhưng nuôi tôm công nghệ cao là lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa ai dẫn đường.
Ông Võ Văn Phục, người tiên phong đầu tư lớn nuôi tôm trong ao nổi. Ảnh: Hữu Đức.
Ông Phục nghiền ngẫm, tự thân rút ra bài học từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm "siêu sạch" với các tiêu chí sống còn của mô hình là bền vững, sinh thái và nội địa… Qua đó khi bắt tay vào ứng dụng, ngay từ đầu ông đã lập phòng kiểm nghiệm dịch bệnh, xưởng sản xuất men vi sinh để đảm bảo an toàn sinh học. Sau 2 năm thử nghiệm và 2 năm kiểm chứng thực tiễn, am tường kỹ thuật nuôi tôm trên ao nổi, cuộc chuyển đổi hiện rõ kết quả và thành công ngoạn mục.
Đứng trên đê triền sông nhìn hệ thống hàng trăm ao nổi hình trụ khổng lồ xếp đều giăng giăng được phủ lưới che, ông Phục nói: “Nếu chỉ hiểu kỹ thuật cũng không làm được, phải bạo gan mới dám làm”.
Mô hình đang đi đúng hướng, hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng theo yêu cầu thị trường và kích thích các đơn vị, doanh nghiệp khác trong ngành hàng tôm cùng đầu tư phát triển vùng nuôi theo hướng nuôi tôm sạch, bền vững.
Bừng dậy "thành phố tôm"
Chiều buông, ngoài sông vắng gió lộng. Nắng tắt sớm kéo màn đêm phủ xuống, cũng là lúc cả “thành phố tôm” ở khu vực xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) như bừng dậy.
Nuôi tôm sạch, nghe qua cứ tưởng dễ nhưng kỳ thực chẳng dễ chút nào. Trầm ngâm một lúc, ông Phục thổ lộ: "Trong bất kỳ quyết định đầu tư nào cũng có phần mạo hiểm, rủi ro. Mỗi lần chuyển hướng theo một cách làm mới có khi là cuộc đánh đổi bằng cả sự thành bại. Nhưng hơn hết, chúng tôi có đủ tự tin, hiểu biết rõ những gì mình đang làm. Tôi phải mất đến 3 năm chuẩn bị, am hiểu tường tận về mặt kỹ thuật khi ứng dụng công nghệ mới".
Vùng nuôi tôm Sóc Trăng hiện đã rộng mở tới gần 60.000ha. Khắp các xã, huyện miền duyên hải, làn sóng đổi mới sáng tạo sôi động, lan tỏa. Ban đầu nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến rồi lần hồi bước qua các mô hình bán thâm canh, thâm canh cải tiến và mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao.
“Kỳ thu hoạch tôm thẻ đầu tiên thực sự hài lòng, chúng tôi muốn chứng minh rằng Việt Nam sản xuất tôm sạch, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế từ vùng nuôi chuẩn mực đến nhà máy chế biến ra sản phẩm tôm sạch xuất khẩu”, ông Phục nói.
Nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi của Vina Clearnfood. Ảnh: Hữu Đức.
Từ những thành quả tạo đà đầu tiên, năm 2021, Vina Cleanfood đã tăng hoạt động thả tôm nuôi đạt 90% công suất, với 1 vụ chính, 2 vụ phụ, sản lượng thu 3.000 tấn; năm 2022 tiếp tục được nâng lên với 100% ao nuôi, sản lượng vượt lên trên 3.000 tấn. Diện tích mỗi ao nuôi nổi 1.200m2, năng suất bình quân từ 8 đến 12 tấn/vụ. Mùa nắng, chính vụ (vụ 1) nuôi tôm thuận lợi, thả con giống từ cuối tháng 11 âm lịch. Một vụ nuôi trong khoảng 3 - 4 tháng, cỡ tôm đạt 30 con/kg…
Tuy vậy, trong ánh mắt nhà đầu tư kinh tế này có tầm nhìn xa hơn, đó là đi tìm lợi thế, tạo bứt phá, tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, và công nghệ mới đang tạo sự đột phá không ngừng. Ông Phục đã nhận thấy bước chuyển tiếp sang ứng dụng công nghệ cao, giúp nuôi tôm mở sang trang mới với chi phí đầu tư thấp hơn, nhưng năng suất, hiệu quả cao hơn nhiều.
Tôm sạch từ tâm
Sâu thẳm trong ký ức về chặng đường gian nan thời đi học ở đất cù lao xã Mỹ An, Thủ Thừa (Long An) với ông Phục là bài học thuộc lòng về ước vọng của con nhà nông từ làng quê nghèo khó.
Đường đến trường nhọc nhằn, qua mỗi cấp học nhà càng thêm xa. Bước vào đường dấn thân lập nghiệp lắm lúc như chơi vơi, bởi luôn là bài toán thách đố khôn cùng. Và cho dù trải qua trên con đường nào, cuối cùng ông cũng dốc sức đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm, bởi còn vì đam mê và khát vọng mai kia đưa nền nông nghiệp Việt Nam đạt tới sự hiện đại như Israel.
Tốt nghiệp ngành kế toán tài chính Đại học Cần Thơ năm 1994, ông Phục chấp nhận đi “đường vòng” với khoảng thời gian hơn 15 năm làm nhiều việc trong các nhà máy, công ty thủy sản. Tới năm 2009, ở tuổi 38, ông mới lập được nhà máy của riêng mình như một khu vườn địa đàng cho ước mơ lập nghiệp.
Sạch là từ nghe đã quen từ xa xưa, nhưng Công ty mang tên “Thủy sản sạch Việt Nam” là cách thể hiện rõ ước vọng từ tâm. Ông Phục giải thích: “Ngay từ khi thành lập, tôi đã xác định xu hướng tiêu dùng thế giới không chỉ ngon, đẹp mà còn phải an toàn, sạch, và vì vậy, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, thỏa mãn nhu cầu cao của người tiêu dùng.”
Tự tin Việt Nam có công nghệ chế biến tôm phát triển hơn các nước khác, tuy nhiên trước dự báo khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đối diện khó khăn, nhu cầu tiêu dùng có thể sẽ thay đổi, ông Phục vẫn tin rằng việc đầu tư vùng nuôi tôm sạch, đúng chuẩn, giảm chi phí sản xuất, tôm nuôi chất lượng vẫn sẽ đứng vững trên thị trường. Với giải pháp công nghệ giành ưu thế, sẽ giúp ngành tôm Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các nước trong cùng ngành hàng này.
Công nghệ nuôi và chế biến tôm theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0, cập nhật những thay đổi công nghệ, quản trị vào sản xuất, quản lý… không chỉ là nền nông nghiệp tri thức mà là sự tận tâm. Ứng dụng công nghệ cao không chỉ là tích lũy kinh nghiệm mà phải làm cho triền sông Mỹ Thanh tràn ngập những câu chuyện về nguồn nước sạch cho vùng nuôi tôm sạch, bền vững.